Nội soi lấy 9 viên sỏi trong ống mật chủ bệnh nhân

Tuấn Bảo, icon
08:22 ngày 08/09/2020

VTV.vn - Bệnh viện Bưu điện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 68 tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, sốt rét run, vàng da.

Bệnh nhân có tiền sử từng phát hiện sỏi túi mật cách đây gần 20 năm, từng nhiều lần gây đau đớn nhưng chưa lần nào đi khám và điều trị triệt để. Lần này, do đau quá không chịu nổi nên bệnh nhân buộc phải tới bệnh viện.

Qua khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán: Viêm tụy cấp - biến chứng do sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật. Sau khi điều trị nội khoa ổn định, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi.

Theo ThS.BS Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, thông thường, đối với trường hợp bệnh nhân này, kỹ thuật viên và ekip sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, ekip thực hiện nhận thấy ống mật chủ giãn đủ rộng để có thể lấy sỏi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ qua ống túi mật.

Nội soi lấy 9 viên sỏi trong ống mật chủ bệnh nhân - Ảnh 1.

Tiến hành nội soi, 9 viên sỏi đã được các bác sĩ lấy ra ngoài qua đường ống túi mật. 4 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

ThS.BS Phạm Trường Giang cho biết: So với phương pháp phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi thì phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ qua ống túi mật đối với các trường hợp bệnh nhân bị sỏi túi mật có chỉ định phải thực hiện phẫu thuật sẽ nhẹ nhàng, ít biến chứng và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ thành công khi thực hiện phẫu thuật này tại Việt Nam chỉ khoảng từ 3 đến 5% do sỏi ống mật chủ ở người bệnh thường hình thành tại chỗ, có kích thước lớn. Do đó, việc phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ qua ống túi mật đa số khó thực hiện vì kích thước ống túi mật nhỏ. Thêm vào đó, phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ qua ống túi mật là kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, cùng sự hỗ trợ của các phương tiện, trang thiết bị hiện đại như: máy nội soi đường mật ống mềm, máy tán sỏi…

Sỏi túi mật là một trong các bệnh thường gặp ở Việt Nam, chiếm tới khoảng 8 - 10% dân số. Nguyên nhân gây sỏi túi mật thường do rối loạn chuyển hoá, khi trong dịch mật có nồng độ cholesterol dư thừa quá cao tạo thành các tinh thể mà từ đó sỏi túi mật được hình thành. Khoảng 15% bệnh nhân có sỏi túi mật sẽ có sỏi ống mật do sỏi từ túi mật rơi xuống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi ống mật chủ có thể gây ra các biến chứng như: tắc mật cấp, viêm đường mật, viêm mủ đường mật, viêm phúc mạc mật, xơ gan ứ mật hoặc viêm tụy… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

ThS.BS Phạm Trường Giang khuyến cáo: Khi phát hiện có sỏi túi mật, người dân nên đi khám để được tư vấn, chỉ định điều trị kịp thời, không nên trì hoãn bởi sỏi có thể di chuyển và to hơn, nhiều hơn. Nếu không được kiểm soát, để muộn người bệnh dễ gặp biến chứng. Lúc đó, nếu có thực hiện phẫu thuật thì cuộc mổ rất có thể phức tạp, quá trình điều trị cũng khó khăn hơn.

Để phòng ngừa và hạn chế mắc sỏi túi mật, mọi người nên lưu ý không nên nhịn ăn sáng vì nếu nhịn ăn, túi mật ít co bóp, hoạt động dễ tạo điều kiện cho việc hình thành sỏi. Các bạn trong độ tuổi sinh sản nên hạn chế việc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài (có thể thay đổi bằng hình thức khác) vì đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ra sỏi túi mật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục