Phẫu thuật nội soi điều trị sa sinh dục, xóa bỏ mặc cảm cho nữ giới

Mạc Thảo, icon
03:25 ngày 04/01/2022

VTV.vn - Sa sinh dục là căn bệnh ám ảnh của phụ nữ bởi những ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.

Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân N.T.P. (71 tuổi, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) vào Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh, thể trạng gầy yếu, đau tức nhiều tầng sinh môn, sa một khối trong âm đạo ra ngoài âm hộ gần 5cm không tự co lên được, đi tiểu dắt, đau buốt, đi lại rất khó khăn.

Trên phim chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung có hình ảnh bàng quang và tử cung sa ra ngoài. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sa bang quang độ II, sa sinh dục độ III trên nền bệnh tăng huyết áp và chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi khâu phục hồi hệ thống dây chằng, đặt lưới cố định, khâu treo thành trước âm đạo nâng đỡ các tạng bị sa vùng chậu. Ngay sau phẫu thuật các tạng đã được đưa về vị trí giải phẫu bình thường. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, đi lại được, đau nhẹ vết mổ.

Theo các bác sĩ, ở nữ giới bàng quang, tử cung, trực tràng nằm trong vùng tiểu khung, các cơ quan này được nâng đỡ bởi hệ thống cơ và dây chằng vùng sàn chậu. Trải qua quá trình mang thai và sinh nở, hệ thống nâng đỡ này rất dễ bị tổn thương gây ra các bệnh lý sa các tạng vùng sàn chậu. Sa sinh dục là tình trạng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ.

Bệnh sa sinh dục thường gặp ở các phụ nữ trong độ tuổi từ ngoài 40 tuổi sau sinh nở nhiều lần, có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó làm cho hệ thống dây chằng, tầng sinh môn tổn thương không giữ được cơ quản vùng tiểu khung. Một số ít phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 30 tuổi dù chưa sinh đẻ nhưng thể trạng yếu cũng có khả năng mắc bệnh sa sinh dục.

BCCKI. Dương Xuân Hiệp, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp cho biết: Trước đây, với những bệnh nhân sa sinh dục độ nặng thường được xử trí bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo hoặc mổ đường bụng. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhiều nhược điểm là phải cắt bỏ tử cung, dễ tái phát, gây thiếu tự tin, nhất là đối với phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ. Phẫu thuật nội soi mang lại hiệu quả tốt nhất điều trị bệnh sa sinh dục vì khắc phục được các nhược điểm của mổ kinh điển, tỷ lệ tái phát thấp, giữ được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao.

Vì là bệnh vùng nhạy cảm khó nói nên khi mới mắc bệnh nhân thường ngần ngại khó nói, chủ quan không điều trị dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng, nguy hiểm hơn là gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ, khó khăn trong sinh hoạt, biến chứng bí tiểu và phải giải quyết cấp cứu.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi có các dấu hiệu bệnh, chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sàn chậu hoặc sản khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục