Phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát, gia tăng trong mùa Đông

Mạc Thảo, icon
08:54 ngày 25/01/2024

VTV.vn - Những ngày thời tiết lạnh sâu, số người đến khám và nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) gia tăng.

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho khoảng 20-30 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong đó, khoảng 20-30% người bệnh COPD phải nhập viện điều trị và có không ít trường hợp bệnh chuyển nặng phải thở máy và chăm sóc toàn diện.

BSCKI Phạm Thị Út Trang, Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Thời tiết là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sâu. Bởi phổi là cơ quan trực tiếp thông thương (giao lưu) với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)…rất dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa hoặc giá rét.

Không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh, việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền. Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.

COPD là một bệnh lý hô hấp khiến cho người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Triệu chứng của bệnh thường tiến triển từ từ và phát triển chậm, thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè, có hiện tượng tăng tiết chất nhầy và đờm, tức ngực kéo dài. Sau đó, xuất hiện khó thở, khó thở khi gắng sức, khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên. Khi bệnh chuyển nặng, bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ, làm việc nhẹ và tần suất bị nhiễm trùng hô hấp cũng tăng lên. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn do thiếu dưỡng khí.

Một người được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong 1 năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên, đồng thời khó thở càng ngày càng tăng, bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển.

Nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá (có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD) và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói của nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phế nang, hen suyễn cũng gây nên COPD. Ngoài ra, một số trường hợp do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên gây kích ứng, viêm phổi, gây ứ đọng cũng có khả năng dẫn đến COPD.

Không ít trường hợp bệnh nhân mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó người bệnh đã bị tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết. Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng.

BSCKI Phạm Thị Út Trang cho biết thêm: Tất cả các bệnh lý đều cần được khám sớm và kịp thời để đảm bảo người bệnh được điều trị can thiệp sớm và tối ưu nhất. Thăm khám sớm phát hiện bệnh, theo dõi và kiểm tra định kỳ, được tư vấn về bệnh để dự phòng bệnh có hiệu quả. Khi bệnh nhân trở nặng mới đi khám và nhập viện sẽ khó đáp ứng với điều trị, khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng, ảnh hưởng đến cả sức khỏe ngay cả khi đã hồi phục ra viện.

COPD là một bệnh mãn tính nên một khi đã mắc thì người bệnh sẽ phải chung sống cả đời với bệnh này. Những bệnh nhân mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim (đặc biệt là rung nhĩ), …). Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Do đó để phòng ngừa sự tái phát của bệnh, đặc biệt trong mùa Đông.

BSCKI Phạm Thị Út Trang lưu ý: Với tất cả những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ: ho kéo dài, khó thở, tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi nên đi khám chuyên khoa hô hấp kiểm tra định kì chức năng phổi. Nếu đã được chẩn đoán COPD, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lí bệnh thường xuyên (tốt nhất nên ở những cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp) để được tư vấn, quản lý, theo dõi một các tốt nhất với từng người. Nên tiêm phòng cúm, phế cầu định kỳ, tránh khói bụi, bỏ hút thuốc, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh...

Phổi tắc nghẽn là một trong những bệnh hô hấp phổ biến, được WHO xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Số lượng người mắc được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Những bệnh nhân mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim…). Vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội và nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong việc phòng bệnh, góp phần hạn chế hậu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục