Phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ trong mùa tựu trường

Mai Lê, icon
12:56 ngày 16/08/2023

VTV.vn - Mùa tựu trường sắp đến cũng là khoảng thời gian trẻ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, cúm, sởi, COVID-19...

Trẻ có thói quen rửa tay thường xuyên sẽ góp phần giúp trẻ phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ em, đặc biệt là các trẻ có bệnh lý nền là đối tượng dễ gặp biến chứng khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Điển hình như khi mắc cúm, trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não... Hoặc phế cầu là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ, nguy cơ tử vong có thể lên đến 50%.

Trong khi đó, viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi có tỷ lệ tử vong và di chứng cao, lên đến 25-30%, 50% người bệnh có các di chứng thần kinh - tâm thần như: rối loạn tâm thần, rối loạn ngôn ngữ, điếc, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...

Hiện nay, bên cạnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ như viêm não Nhật Bản, sởi, thủy đậu… có 2 loại bệnh truyền nhiễm đang bùng phát và lây lan nhiều cho trẻ là tay chân miệng và sốt xuất huyết. Đặc biệt, thời điểm tựu trường là thời điểm thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan rộng hơn.

Theo bác sĩ Minh, mặc dù cha mẹ không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn trước các bệnh lây nhiễm nhưng vẫn có thể giúp trẻ phòng bệnh bằng cách hướng dẫn cho trẻ những thói quen dưới đây:

1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tạo thói quen rửa tay cho trẻ và rửa tay đúng cách: Rửa tay là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả để phòng lây nhiễm bệnh ở trẻ. Vì trẻ em thường dành nhiều thời gian sinh hoạt với nhau trong suốt cả ngày nên việc tạo tháo quen rửa tay cho trẻ và rửa tay đúng cách nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và việc làm rất cần thiết.

2. Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước để giúp cho trẻ có sức đề kháng bệnh tốt nhất. Cần đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc.

3. Nên tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác khi trẻ mắc bệnh.

4. Nên cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi vaccine phòng bệnh. Các trẻ được tiêm chủng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và không lây nhiễm cho bạn bè và những người trong gia đình.

"Thời điểm này dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đang bùng phát, cả 2 bệnh này đều chưa có vaccine phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, phụ huynh cần chú ý thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế như phòng tránh muỗi đốt bằng cách cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài tay cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh cá nhân... Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nên cho trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Minh khuyến cáo thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục