Phòng bệnh viêm tuyến sữa

P.V, icon
07:56 ngày 24/11/2019

VTV.vn - Rất nhiều sản phụ sau sinh bị viêm tuyến sữa với các biểu hiện bầu vú sưng, nóng, đỏ, đau, sữa tiết ra không thông suốt… gây đau đớn, khó chịu...

Ðây là bệnh thường gặp ở những sản phụ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh chăm sóc vú không đúng cách.

Bệnh viêm tuyến vú hay còn gọi là viêm tuyến sữa, là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú. Bệnh thường do vi khuẩn ngoài da như liên cầu, tụ cầu xâm nhập vào mô vú qua vết xây xước hoặc do tắc tia sữa không được xử lý đúng cách. Bệnh hay xảy ra ở phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là phụ nữ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú đúng cách, chưa biết cách vệ sinh đầu vú dẫn đến việc sữa bị ứ đọng trong vú gây ra viêm.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến vú sau sinh do lần dầu tiên làm mẹ, da đầu núm vú của người mẹ còn non nớt, khi cho con bú không đúng cách, khiến bé cứ lôi kéo, ma sát nhiều gây tổn thương. Đặc biệt, khi núm vú của người mẹ thụt vào hoặc bằng phẳng quá, bé bú sẽ rất khó khăn, phải cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét. Khi đầu vú đã nứt, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào tuyến sữa, sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa dẫn đến viêm. Nguyên nhân khác là bé chưa biết bú, người mẹ phải nặn sữa nhưng chưa đúng cách cũng khiến núm vú bị tổn thương, kèm theo vệ sinh vú kém, sữa ứ đọng, không thông cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến vú sau sinh.

Biểu hiện thường gặp khi bị viêm tuyến sữa là người mẹ sẽ thấy vú sưng đau, sữa ra không đều, không thông, sắc da đỏ nhẹ hoặc không đỏ, có hòn cục nhỏ, kèm theo người sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, ngực tức, rêu lữa trắng mỏng hoặc hơi vàng. Đến giai đoạn làm mủ, bầu vú người mẹ sưng to, da đỏ nóng từng đám hoặc cả vú, đau tăng, sốt cao không hạ và mưng mủ cục bộ, người bứt rứt khó chịu, miệng khát muốn uống nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

Bác sĩ Hoa khuyến cáo: Trong thời kỳ mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng bằng thì phải kéo dần ra ngoài hàng ngày, nhất là từ khi mang thai 5 tháng. Sau khi sinh, bà mẹ cần day bầu sữa để thông tia sữa ngay sau sinh. Vệ sinh vú sạch sẽ trước và sau khi cho con bú. Mỗi lần cho con bú phải bú hết sạch một bên này rồi mới đổi sang bên kia. Nếu sữa quá nhiều mà trẻ lại bú ít thì phải vắt hoặc hút cạn lượng sữa thừa. Lần kế tiếp cho con bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch rồi lại đổi sang bên này. Không để trẻ ngậm đầu vú khi ngủ. Mỗi ngày dùng khăn bông thấm nước ấm lau chùi vú 3 đến 4 lần, xoa nhẹ để đề phòng vú căng to sệ xuống. Mặc áo ngực cotton rộng, thoáng. Khi thấy vú có những biểu hiện bất thường, cần sớm đi khám để chữa trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục