Phương pháp mới tầm soát, điều trị đột quỵ & các bệnh lý thần kinh nguy hiểm

PV, icon
12:00 ngày 21/12/2020

VTV.vn - Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Điều này là không chính xác. Hiện nay có nhiều người trẻ tuổi, thanh niên, thậm chí trẻ em cũng bị đột quỵ.

Với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại kết hợp kỹ thuật chẩn đoán và phương pháp điều trị tiên tiến, các chuyên gia Nội thần kinh hàng đầu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã giúp nhiều người "thoát" nguy cơ đột quỵ và biến chứng của các bệnh lý thần kinh nguy hiểm như Parkinson, Alzheimer, động kinh, đau nửa đầu Migraine...

Chỉ sau 2 giờ phát sóng, chương trình tư vấn trực tuyến "Đột quỵ và những bệnh lý thần kinh nguy hiểm" do Báo điện tử VTV phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tối 18/12 vừa qua đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn câu hỏi từ độc giả gần xa gửi về. Buổi tư vấn có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu - Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Nội thần kinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội - chuyên gia hàng đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ mới vào chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thần kinh nguy hiểm.

Mở đầu chương trình là đoạn video chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Bình (tỉnh Điện Biên) suýt phải rời xa bục giảng do không được chẩn đoán đúng bệnh Parkinson và điều trị đúng cách. Khi bắt đầu có những dấu hiệu run nhẹ ở các đầu ngón tay trong lúc viết bảng, cô Bình chỉ nghĩ mình bị ốm, mệt mỏi chứ không biết mình mắc bệnh Parkinson. Đến khi bệnh trở nặng, cả tay và chân cô run cầm cập, đi lại không còn nhanh nhẹn như trước, sau đó bệnh tiến triển liệt nửa người, cô không thể đi lại, thậm chí không thể đứng lớp, bao học trò yêu quý chỉ biết ôm cô khóc.

"Tôi đã suy sụp, khóc suốt ngày vì sợ bản thân sẽ mãi mãi không đi lại được nữa. May sao, tôi được chị gái giới thiệu đến gặp Phó giáo sư Nguyễn Văn Liệu, Bệnh viện Tâm Anh để chữa trị. Gặp đúng thầy đúng thuốc, tôi đi được trở lại, vui sướng như từ "cõi chết" trở về.

Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Liệu cho biết, trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị Bình phát hiện dấu hiệu bệnh Parkinson khi còn rất trẻ, triệu chứng không điển hình nên dễ chẩn đoán nhầm. Việc điều trị không đúng cách đã gây ra rất nhiều hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt và làm việc của một giáo viên năng nổ như cô trong một thời gian dài... Sau khi được bác sĩ Nguyễn Văn Liệu điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp tập vật lý trị liệu, điều chỉnh chế độ ăn uống, bệnh nhân dần hồi phục, trở lại với bục giảng và học trò thân yêu.

Tưởng như tàn phế, phải rời bục giảng vì bệnh Parkinson, cô giáo ở Điện Biên đã hồi phục bất ngờ

Cùng cảnh ngộ với cô Đỗ Thị Bình, độc giả Tuấn Kiệt gửi câu hỏi đến fanpage Trung tâm Tin tức VTV24: "Tôi năm nay 32 tuổi, khoảng 1 tháng trở lại đây, tay tôi cứ run lên nên không cầm nắm được, cứ làm rơi vỡ đồ vật. Đồng nghiệp nói tôi chắc bị bệnh Parkinson rồi. Tôi rất hoang mang, nghe tên bệnh này lạ quá. Vậy bệnh này là bệnh gì, nguyên nhân do đâu và có cách nào chữa khỏi bệnh này không?"

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Liệu, Parkinson là bệnh rối loạn vận động do thoái hóa các tế bào thần kinh trong não. Các tế bào này có chức năng đặc biệt là tiết ra chất Dopamine để điều khiển các hoạt động một cách chính xác, thuần thục, không cứng quá, không run, động tác chuẩn xác. Tuy nhiên, khi các tế bào thần kinh bị thoái hóa, cơ thể thiếu hụt Dopamine, hệ thống thần kinh cơ không kiểm soát được vận động sẽ dẫn đến các triệu chứng như run tay chân, mất thăng bằng, đau cứng cơ, dễ té ngã…

Trước đây, Parkinson thường xảy ra ở người trên 60 tuổi. Nhưng gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp người trẻ dưới 40 tuổi cũng mắc bệnh. "Với những trường hợp ở giai đoạn nặng cần có phương pháp điều trị thích hợp, kết hợp dùng thuốc và vật lý trị liệu; đồng thời thay đổi chế độ ăn uống hợp lý theo từng giai đoạn của bệnh. Ngoài ra, để cải thiện triệu chứng, người bệnh cần phải tập thể dục mỗi ngày nhằm giúp các cơ linh hoạt và dẻo dai hơn", Phó giáo sư Nguyễn Văn Liệu nhấn mạnh.

Phương pháp mới tầm soát, điều trị đột quỵ & các bệnh lý thần kinh nguy hiểm - Ảnh 2.

Hệ thống máy móc hiện đại tại BVĐK Tâm Anh giúp tầm soát, chẩn đoán chính xác nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý thần kinh nguy hiểm

Bên cạnh bệnh Parkinson, đột quỵ cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi nhất. Điển hình như: Đột quỵ là tình trạng như thế nào? Tại sao trước đây nói đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn tuổi mà bây giờ rất nhiều người trẻ tuổi lại gặp phải tình trạng này? Điều trị và phòng ngừa đột quỵ như thế nào?

Giải thích rõ hơn về đột quỵ, Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu cho biết, đột quỵ là tên thường gọi của bệnh tai biến mạch máu não, chỉ tình trạng thiếu sót thần kinh xảy ra đột ngột, cấp tính, không hồi phục trong vòng 24 giờ. Bệnh nhân bị đột quỵ thường có những dấu hiệu điển hình như tay chân yếu hoặc tê liệt, méo miệng, nói khó, mắt mờ, đau đầu dữ dội, mất thăng bằng...

Nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ là do thiếu máu cục bộ (tắc mạch, chiếm tỷ lệ 85%) và xuất huyết não (vỡ mạch, chiếm tỷ lệ 15%).

"Nếu đột quỵ được phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện khoảng 4,5 giờ đầu tiên thì bác sĩ sẽ cho thuốc để làm tan cục máu đông, giúp mạch máu lưu thông trở lại và bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nếu đến muộn hơn, các mạch lớn bị tắc thì bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ để hút cục máu đông, khơi thông mạch máu. Nhưng muộn quá thì không thể can thiệp được bởi phần não bị tổn thương đã hoại tử", Phó giáo sư Nguyễn Văn Liệu chia sẻ thêm.

Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Điều này là không chính xác. Hiện nay có nhiều người trẻ tuổi, thanh niên, thậm chí trẻ em cũng bị đột quỵ. Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến tình trạng đột quỵ tăng nhanh như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, uống rượu bia, hút thuốc lá và ăn uống không khoa học…

Phương pháp mới tầm soát, điều trị đột quỵ & các bệnh lý thần kinh nguy hiểm - Ảnh 3.

Tầm soát định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu của các bệnh lý thần kinh giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn biến chứng nguy hiểm

Băn khoăn về mối liên hệ giữa bệnh lý động kinh và đột quỵ, độc giả Thảo My đặt câu hỏi trên fanpage OTiV - For Your Brain: "Anh trai em bị bệnh động kinh vô căn, mỗi lần lên cơn có thể rơi vào trạng thái mất ý thức 5 - 10 phút. Vậy đó có phải là biểu hiện của đột quỵ hay không? Cần điều trị như thế nào ạ?"

Chuyên gia Nội thần kinh Nguyễn Văn Liệu giải thích: Động kinh không phải đột quỵ nhưng trong đột quỵ có triệu chứng động kinh. Và cũng có nhiều bệnh nhân bị động kinh về sau xuất hiện đột quỵ não. Đó có thể là hậu quả nhưng thường là 2 bệnh độc lập.

"Lưu ý, khi có bệnh, bệnh nhân cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa và có hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại để thăm khám. Tuyệt đối không dùng các bài thuốc dân gian hay tự chữa tại nhà bằng mật khỉ, mật cá trắm, mật kỳ đà… khiến bệnh tiến triển gây nhiều biến chứng nguy hiểm" - PGS.TS.BSCKII Nguyễn Văn Liệu khuyến cáo.

Liên quan đến bệnh lý đau đầu, nhiều độc giả đặt câu hỏi về cách nhận biết đau đầu Migraine và những cách điều trị hiệu quả.

"Đau đầu Migraine thường đặc trưng bởi cơn đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, trong cơn đau có mạch đập, cảm giác giật ở trong đầu kèm theo cảm giác buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Bệnh thường tái diễn rất nhiều lần và kéo dài khoảng 4 tiếng, thậm chí có khi gần 3 ngày. Sau đó người bệnh sẽ cảm thấy bình thường và không có triệu chứng gì khác.

Hiện y học hiện đại có nhiều liệu pháp phòng ngừa cơn đau, giúp các mạch không quá co giãn hoặc phản ứng, để thành mạch hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, có một số loại thuốc giúp giảm đau và kháng thể để tiêm phòng cơn đau nếu bệnh nhân bị kháng thuốc. Hoặc sử dụng một số dụng cụ để tác động vào dây thần kinh (như dây số 10) để nó không bị kích thích nữa", Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu cho biết.

Là một trong các bệnh thần kinh nguy hiểm, Alzheimer cũng rất được quan tâm. Độc giả Thư Mai gửi câu hỏi về fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: "Mẹ cháu mới về hưu sớm được hơn 2 năm đã có dấu hiệu của Alzheimer. Mẹ rất dễ lạc đường, không nhớ đường dù đã đi rất nhiều lần rồi. Gần đây có những dấu hiệu nặng hơn như quên người thân, những chuyện mới xảy ra cũng quên luôn. Gia đình cháu rất lo lắng. Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh của mẹ cháu điều trị có cải thiện được không? Cháu có thể đưa mẹ đến Bệnh viện Tâm Anh khám và điều trị được không ạ?"

Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu chia sẻ, nhóm bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer đặc biệt điển hình ở người cao tuổi. Sau tuổi 70, thống kê chung trên thế giới có khoảng 10% người mắc bệnh và cứ thêm 5 năm tuổi thì con số này lại tăng gấp đôi, cụ thể 75 tuổi sẽ là 20%.

"Trong nhóm bệnh sa sút trí tuệ có một số nhóm lớn, một là nhóm Alzheimer, nhóm khác là sa sút trí tuệ do đột quỵ não gây nên. Nhiều khả năng là mẹ bạn Thư Mai bị Alzheimer nhưng các bác sĩ cần phải tìm hiểu xem có nguyên nhân gì đằng sau như bệnh lý mạch máu não, ứ nước trong não… hay không. Bệnh viện Tâm Anh là nơi có đủ các chuyên gia về lĩnh vực thần kinh đến từ ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, một số bệnh viện lớn nữa và có cơ sở vật chất về cận lâm sàng rất tốt. Bạn có thể đưa mẹ đến đây để có phác đồ chăm sóc, điều trị, dùng thuốc, cải thiện cuộc sống tốt hơn", Phó giáo sư Nguyễn Văn Liệu chia sẻ.

Không ngừng nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ mới vào việc khám và chữa trị các bệnh lý thần kinh và mạch máu não, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu khuyến cáo thêm: "Mọi người, dù là người trẻ và khỏe mạnh, cũng không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng bất thường về thần kinh. Hàng ngày, hãy lắng nghe cơ thể, chủ động tầm soát các yếu tố nguy cơ, phòng ngừa đột quỵ và các bệnh nguy hiểm khác".

Độc giả có thể xem lại chương trình Tư vấn trực tuyến “Đột quỵ và những bệnh lý thần kinh nguy hiểm” tại fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và tiếp tục gửi câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp.

Được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất khang trang, trang bị máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành về thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiên phong làm chủ những kỹ thuật hiện đại, giúp hàng triệu bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ hạn chế vận động, mất trí nhớ, giảm thị lực, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí tử vong do các bệnh lý thần kinh, mạch máu não gây ra.

Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia, quý khách hàng có thể liên hệ:

● Hotline: 1800 6858.

● Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

● Website: https://tamanhhospital.vn/dat-lich-kham/

● Liên hệ trực tiếp: 108 Hoàng Như Tiếp, P. Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục