Ra mắt "Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu"

TTXVN, icon
07:37 ngày 02/11/2022

VTV.vn - Ngày 2/11, trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXI, "Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu" được ra mắt.

Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người dân do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức.

Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu (thuộc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) là tổ chức tự nguyện của những nhà khoa học trẻ có nghiên cứu trên lĩnh vực y tế, hoạt động tại Việt Nam và trên toàn thế giới, vì sự phát triển của ngành Y tế.

Mạng lưới hoạt động với các mục đích chính: Tạo kênh trao đổi giữa các trí thức trẻ nghiên cứu trong lĩnh vực y tế để thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ ngành Y tế trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước; thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu; tăng cường đoàn kết, tập hợp lực lượng trí thức trẻ nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, từ đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, uy tín của tổ chức Đoàn, Hội đối với xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu là kênh tham vấn để Chính phủ và các lực lượng trong nước đặt hàng hiệu quả đội ngũ trí thức hoặc tham vấn các trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết, những khó khăn, thách thức của đất nước trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là kênh thông tin, tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Mạng lưới được hướng đến tổ chức hiệu quả, công khai, minh bạch, tạo sự lan tỏa, cũng như đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Ban Chủ nhiệm Khóa I Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu, nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 19 nhà khoa học trẻ, uy tín, có nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Họ được lựa chọn từ gần 400 trí thức trẻ Việt Nam ở hơn 22 quốc gia trên thế giới đã tự nguyện đăng ký tham gia trong thời gian ngắn. Thành viên của mạng lưới là những nhà khoa học, những trí thức trẻ người Việt không quá 45 tuổi, đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.

Phát biểu công bố ra mắt Mạng lưới, TS.BS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo cơ hội thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn về nhiều mặt mà không còn bị ràng buộc bởi phạm vi địa lý. Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, ngay từ những ngày đầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội và một số đơn vị để huy động lực lượng trí thức trẻ trong và ngoài nước với nhiều chuyên gia đầu ngành về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, kinh tế, dịch tễ, y tế công cộng... nhằm hỗ trợ ngành Y tế cả nước trong việc xây dựng mô hình, dự đoán diễn biến dịch bệnh, nghiên cứu phát triển vaccine hay thiết kế, chế tạo các thiết bị hỗ trợ khẩn cấp như: Container oxy, container xét nghiệm... Những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao này đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và ngành Y tế vượt qua đại dịch COVID-19. 

"Thực tiễn thời gian qua cho thấy cần thiết lập một Mạng lưới rộng rãi tập hợp trí thức ngành Y tế để thường xuyên, kịp thời tư vấn chính sách cho Chính phủ, hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở với kiến thức và kinh nghiệm y tế quý báu trên toàn cầu. Đó là lý do Mạng lưới nhà khoa học trẻ ngành Y tế Việt Nam toàn cầu được ra đời", TS.BS Hà Anh Đức thông tin.

Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, Trung ương Hội tin tưởng, bằng tài năng, tâm huyết và sức sáng tạo của mình, các nhà khoa học trẻ ngành Y tế sẽ xây dựng tổ chức vững mạnh, phát triển; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, số hóa ngành Y tế và tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền y tế hiện đại, nhân văn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục