Số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tăng, nhiều trường hợp bị sốc nặng

Linh Chi, icon
07:00 ngày 23/04/2022

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan.

Một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: BVCC

BSCKII. Phan Vĩnh Thọ, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho hay: Trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong 2 tuần đầu tháng 4, Khoa Cấp cứu đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan. Có ca sốc sốt xuất huyết rất nặng khi nhập viện.

Theo thống kê từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 80 - 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 47 ca sốt xuất huyết trẻ em và 283 ca người lớn.

Hiện tại, các khoa của bệnh viện đang điều trị khoảng 80 - 100 ca mắc sốt xuất huyết (cả trẻ em và người lớn), trong đó có những ca mắc bệnh sốt xuất huyết rất nặng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê. Thành phố cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh tại TP. Hồ Chí Minh thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau - thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục