Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tố giác hành vi "vẽ bệnh" của các phòng khám tư nhân

PV, icon
10:25 ngày 30/11/2022

VTV.vn - Sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch bệnh COVID-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi VPPL trong hành nghề KCB.

Điều đáng xem xét đó là các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tố giác hành vi vẽ bệnh của các phòng khám tư nhân - Ảnh 1.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, phòng khám đa khoa Hồng Phong bị tước giấy phép hoạt động 2 lần. Đây cũng là một trong 17 phòng khám Trung Quốc do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thống kê, bị nhiều người dân phản ánh lừa đảo với kịch bản giống nhau. Ảnh: NLĐO.

"Lợi dụng những bệnh nhân có dấu hiệu bị mắc các căn bệnh tế nhị, khó nói đến thăm khám, những nhân viên của các phòng khám này đã "vẽ" ra bệnh để thuyết phục bệnh nhân phải điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Đã có nhiều người là nạn nhân của các phòng khám này. Có thể thấy chiêu thức moi tiền của các phòng khám này có công thức như sau: Người bệnh khi đến các phòng khám trước hết sẽ được yêu cầu thực hiện một loạt các xét nghiêm, siêu âm; Sau đó, bệnh nhân sẽ được đưa vào các phòng tiểu phẩu để tư vấn điều trị; Dù có bệnh hay không, dù bệnh nhẹ hay nặng thì bệnh nhân đều được đưa ra những chẩn đoán là mắc bệnh nguy hiểm, cần phải làm tiểu phẫu cắt, đốt, với chi phí hàng chục triệu đồng Không hiểu vì lý do gì, các nhân viên của những phòng khám này lại không hề nao núng trước hoạt động của các đoàn kiểm tra, mặc dù các phòng khám này đang trong thời gian xử phạt và không được phép tổ chức khám chữa bệnh. Điều này cho thấy sự ngang nhiên và xem thường pháp luật của các phòng khám này." - theo phản ánh của nhóm phóng viên Chuyển động 24h – VTV.

"Những cơ sở này từng bị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh liệt kê vào danh sách 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường xuyên bị khiếu kiện với kịch bản tương tự nhau. Ban đầu bệnh nhân khi liên hệ đến thì được quảng cáo, tư vấn xét nghiệm, chữa bệnh với chi phí rất rẻ. Nhưng khi bệnh nhân được thực hiện thủ thuật, nhân viên các phòng khám này đã tìm cách "vẽ bệnh" với chi phí đội lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt, tước giấy phép hoạt động một thời gian, phòng khám ở địa chỉ trên lại bất ngờ "thay tên", đổi biển hiệu." tờ Dân trí đăng tải.

Trước nhức nối trên nhóm phóng viên – Phụ nữ TP Hồ Chí Minh từng phản ánh: "Điều đáng nói là Phòng khám Hồng Cường từng nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế phạt hành chính vì đã vi phạm các hành vi: lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn. Đã nhiều lần vi phạm và bị phạt, Phòng khám Hồng Cường vẫn tiếp tục với những chiêu trò "lừa đảo" cũ để bệnh nhân phải chịu cảnh tiền mất, tật mang như thách thức cơ quan quản lý chuyên ngành".

Cùng với đó, báo Tuổi trẻ cũng có bài viết với nội dung đề cấp tới vấn đề này: "Thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, địa chỉ 87-89 Thành Thái (quận 10, TP Hồ Chí Minh) trước đây là điểm hoạt động của phòng khám đa khoa Elizabeth. Năm 2014 phòng khám này bị xử phạt 315 triệu đồng với các sai phạm trong lĩnh vực y tế. Sau đó, địa chỉ này nhiều lần đổi tên thành phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái, cả 2 phòng khám lại tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh. Đến khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn), tại địa chỉ cũ phòng khám Khang Thái đã 'đổi tên' thành phòng khám đa khoa Hồng Cường để tiếp tục hoạt động".

Bất cứ ai, cho dù ở vị trí công tác nào, là người dân Thành phố khi đọc các tin phản ánh các hành vi vẽ bệnh để moi tiền người bệnh mà nhức nhối, căm phẫn và đều mong cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp mạnh đủ sức ranh đe. Và hơn ai hết, là nhân viên của Ngành Y tế Thành phố chắc rằng tất cả đều phẫn nộ và lên án mạnh mẽ các hành vi vẽ bệnh, moi tiền người bệnh của một vài cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài này thường xuyên tái phạm những hành vi thiếu đạo đức này. Sở Y tế kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ Ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật khám, chữa bệnh cứ tái diễn, và chỉ xảy ra ở một số cơ sở y tế tư nhân (có yếu tố nước ngoài), Ngành Y tế Thành phố kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh, và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành. Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.

Bên cạnh việc chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên (không chỉ chiến dịch) công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, cụ thể là chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục