Sốt xuất huyết tăng, Hà Nội ráo riết phun hóa chất diệt muỗi

P.V, icon
07:28 ngày 18/06/2019

VTV.vn - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 10 - 16/6, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 77 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 9 ca so với tuần trước đó.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 548 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 181 xã, phường của 30 quận, huyện, thị xã, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng. Giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Trong thời gian này, Sở Y tế cũng tổ chức ráo riết các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tại 12 quận, huyện. Đến thời điểm này, tổng số lượt hộ trong khu vực nguy cơ được phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là 87.350/102.874 hộ đạt 85%. Bên cạnh đó, 122 công trường xây dựng, 874 cơ quan, trường học, khu công cộng trong khu vực nguy cơ cũng đã được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Tuy nhiên chỉ nỗ lực của ngành Y tế thôi chưa đủ, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục