Suýt mất mạng vì ngộ độc rượu chứa methanol

Tuấn Bảo, icon
10:33 ngày 30/01/2022

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

2 bệnh nhân ngộ độc methanol. Ảnh: BVCC

Cách nhập viện 1 ngày, 2 bệnh nhân L.Z.M. 45 tuổi và C.D.S. 28 tuổi cùng ăn và uống một lượng rượu không rõ loại. Sáng ngày nhập viện, 2 bệnh nhân có biểu hiện nôn ói nhiều lần, cảm giác mệt, thở nhanh.

Chiều ngày nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhân L.Z.M. rối loạn tri giác, tiếp xúc kém, khó thở nhiều, sau đó một vài tiếng, bệnh nhân C.D.S. cũng vào viện với tình trạng tương tự.

Qua quá trình thăm khám và hỏi kỹ bệnh sử, các bác sĩ đã phát hiện ra yếu tố dịch tễ là cả 2 bệnh nhân này đều có tiếp xúc, ăn uống và uống cùng với nhau một loại rượu không rõ nguồn gốc. Rất nhanh chóng các bác sĩ nhận định có thể nhanh chóng đây là một tình trạng ngộ độc.

Cả 2 bệnh nhân được làm các xét nghiệm và phát hiện thấy một tình trạng Toan chuyển hóa nặng - Tổn thương thận cấp giai đoạn II - Tăng Kali máu nặng, tiên lượng tử vong cao. Xét thấy bối cảnh nghi ngờ ngộ độc methanol là một loại cồn được sử dụng trong công nghiệp, bệnh nhân được làm xét nghiệm định lượng methanol.

Chạy đua với thời gian, với sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của các bác sĩ cấp cứu, nội tổng quát và nội thận - lọc máu, cả 2 bệnh nhân được chẩn đoán là trường hợp ngộ độc methanol.

Ngay lập tức, các bác sĩ nội thận - lọc máu đã chuẩn bị sẵn trang thiết bị và tiến hành lọc máu cấp cứu cho 2 bệnh nhân. Sau thời gian được lọc máu và điều trị tích cực, cả 2 bệnh nhân sức khỏe đã ổn định.

Theo các bác sĩ, giữa ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol thường xuất hiện chậm hơn và biểu hiện muộn, nên có thể bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự của methanol. Nếu ngộ độc methanol không được phát hiện hoặc phát hiện muộn sẽ dẫn đến trở nặng, và dễ tử vong.

Triệu chứng nhiễm độc methanol (cồn công nghiệp) có thể xuất hiện sau 30 phút hoặc có thể muộn hơn. Loại cồn này thường được sử dụng trong công nghiệp làm sơn, dung môi… và không được sử dụng để làm thức uống như ethanol, rất khó phân biệt hai loại rượu này. Bệnh nhân ngộ độc thường trong hai bối cảnh uống nhầm rượu kém chất lượng pha methanol và uống cồn y tế làm giả ethanol được thay bằng methanol.

Methanol thường được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, phần lớn được chuyển hóa qua gan nhưng rất chậm. Sau đó, methanol được chuyển hóa thành acid formic, sau đó thành formate, chất này có tác hại gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với thần kinh và thị giác, độc với các cơ quan trong cơ thể.

Cho đến nay, ngộ độc methanol vẫn là một vấn đề nhức nhối, hàng năm vẫn được ngành y tế tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng ngộ độc vẫn tiếp tục xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục