Tai nạn dịp Tết - không nên chủ quan

P.V, icon
07:00 ngày 30/01/2022

VTV.vn - Tết đến Xuân về là dịp mà các gia đình sum họp, vui vầy, tuy nhiên nhiều gia đình đã có kỳ nghỉ không trọn vẹn trong ngày Tết nếu vô tình để tai nạn không đáng có xảy ra.

Hình minh họa. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để có một cái Tết an toàn, mỗi gia đình cần phải lưu ý một số điều dưới đây trong dịp Tết:

Tai nạn do pháo nổ

Là một tai nạn khá thường gặp trong các dịp Tết. Mặc dù chính phủ có Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nhưng rất nhiều đối tượng vẫn nghiên cứu, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép trong dịp Tết. Và không ít tai nạn pháo nổ thương tâm đã xảy ra đặc biệt là trẻ em.

Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh nên việc người đốt sẽ tiếp xúc rất gần sẽ dễ bị các tổn thương nặng ở đầu mặt cổ, mắt, tay. Chính vì vậy, các gia đình, các bậc phụ huynh nên gương mẫu chấp hành, giáo dục con em mình chấp hành tốt qui định về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết.

Tai nạn dịp Tết - không nên chủ quan - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: BVCC

Tai nạn do rượu bia

Tết cũng là dịp tiêu thụ rượu bia nhiều nhất trong năm. Do thói quen của nhiều người, Tết là lúc mọi người có dịp giao lưu, gặp gỡ nhau trong đó sử dụng rượu bia để chúc nhau là phong tục có từ lâu đời. Nhiều tai nạn do rượu bia gây ra phải kể đến như:

Tai nạn giao thông do rượu bia: Nhiều người vẫn tham gia giao thông khi có sử dụng rượu bia. Đã có nhiều tai nạn thương tâm dẫn đến cảnh ly tán ngày tết. Đặc biệt đối tượng bị tai nạn giao thông do rượu thường khá trẻ tuổi. Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch 2022, cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 35 người, có 19.285 trường hợp vi phạm an toàn giao thông trên đường bộ, trong đó có 812 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Tai nạn dịp Tết - không nên chủ quan - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: BVCC

Ngộ độc rượu: Là một tai nạn ít gặp hơn nhưng mức độ nguy hiểm thì rất cao đặc biệt là ngộ độc rượu methanol. Do nhu cầu rượu bia cao và vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng vẫn buôn bán rượu methanol thay cho rượu thông thường chúng ta đang sử dụng là rượu ethanol. Nhiều bệnh nhân đã uống nhầm rượu methanol sau đó đi vào hôn mê và tử vong dù được cấp cứu và điều trị kịp thời. Không uống rượu không rõ nguồn gốc - đó là cách chủ động phòng tránh hiệu quả nhất!

Viêm tụy cấp do rượu: Là bệnh l‎ý khá thường gặp đặc biệt là những người có tiền sử bị viêm tụy cấp. Nhiều bệnh nhân và gia đình đã phải chuyển đón Tết tại bệnh viện vì viêm tụy cấp do rượu.

Hàng năm, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thường xuyên phải cấp cứu, điều trị các tai nạn do rượu này trong các dịp Tết đặc biệt là tai nạn giao thông, ngộ độc rượu.

Ngộ độc thực phẩm

Thường gặp là các rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày cấp… do thói quen ăn uống thay đổi vào dịp Tết. Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện từ đau bụng, buồn nôn, nôn, đại tiện phân lỏng, mệt mỏi…Khi xảy ra các vấn đề trên, bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế gần nhất để được khám, tư vấn và xử trí sớm.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tết là lúc mọi người về quê ăn Tết, nhu cầu đi lại, giao lưu tăng cao. Do vậy để thích ứng an toàn mỗi người chúng ta cần tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân và gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục