Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn

P.V, icon
02:44 ngày 29/12/2023

VTV.vn - Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, vùng tổn thương rộng, diện cắt bỏ nhiều...

Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, có đến 70% người Việt bị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP) – "thủ phạm" chính gây các bệnh viêm dạ dày cấp và mãn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa đã lên đến hơn 10% dân số, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn là viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư… Điều đáng bàn ở đây là người dân cần ý thức rõ điều này và cần chủ động đi tầm soát ung thư, nhất là hiện nay các kỹ thuật tầm soát hiện đại đều đã có ở Việt Nam.

Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn - Ảnh 1.

Các bác sĩ tư vấn cho một bệnh nhân đến khám đường tiêu hóa. Ảnh: PV

Trao đổi với phóng viên VTV News, Bà Trần Tố Uyên, một bệnh nhân ngoài 70 tuổi đang khám tiêu hóa tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cho biết: "Tôi bị đau bụng mạn bên phải, đi ngoài không ổn định nên sợ bị ung thư và đi tầm soát...". Một bệnh nhân trẻ tuổi khác, anh Lê Minh Hiếu chia sẻ: "Tôi cũng bị đau bụng nên phải đi khám xem mình có bị làm sao không...".

ung-thu-da-day-song-duoc-bao-lau1-163011815907774515423-1682303782

Ảnh: Bệnh viện K Trung ương

Theo số liệu từ Globocan 2020, ung thư dạ dày đứng top 4 trong các mặt bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của mặt bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%.

Có lẽ với rất nhiều người dân, ai cũng từng có những triệu chứng tương tự như bà Uyên hay anh Hiếu. Vấn đề là ở chỗ, những triệu chứng như đau bụng, đi ngoài không ổn định... thường hay bị xem nhẹ và dễ bỏ qua. Trong khi, đó cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm. Những năm gần đây, mặc dù nhận thức phòng bệnh của người dân đã được cải thiện, thế nhưng tỷ lệ người dân chủ động đi tầm soát ung thư ống tiêu hóa không cao. Trong khi, nhiều cơ sở y tế tại VN đã trang bị thiết bị tầm soát hiện đại với nhiều tính năng ưu việt. Kỹ thuật nội soi NBI - phóng đại tầm soát ung thư ống tiêu hóa giai đoạn sớm đã được đưa vào phục vụ người dân.

TS.BS Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội cho biết: "Kỹ thuật nội soi hiện đại nay đã cho phép ánh sáng đâm xuyên sâu, cho chúng ta quan sát được các tổn thương ở ống tiêu hóa... Ngoài việc phát hiện ung thư ống tiêu hóa giai đoạn sớm, kỹ thuật nội soi phóng đại còn giúp bác sĩ phân định rõ ranh giới giữa vùng tổn thương lành tính và ác tính, đánh giá sơ bộ mức độ xâm lấn sâu của khối u"…

Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn - Ảnh 4.

Kết quả nội soi là cơ sở để bác sĩ có hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh: PV

Dựa trên những kết quả nội soi, các bác sĩ có thể đưa ra chiến lược điều trị tốt nhất cho người bệnh. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân có tổn thương tiền ung thư, hoặc ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng ở giai đoạn sớm đã được điều trị thành công bằng nội soi can thiệp cắt niêm mạc, cắt tách dưới niêm mạc. Người bệnh hoàn toàn không cần phải điều trị phối hợp thêm bằng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị... hiện đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn - Ảnh 5.

Một ca nội soi đường tiêu hóa. Ảnh: PV

Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn - Ảnh 6.

Hình ảnh ống tiêu hóa trên máy nội soi. Ảnh: PV

Tầm soát ung thư ống tiêu hóa: Đừng để quá muộn - Ảnh 7.

Ngược lại, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân và gia đình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. TS.BS Nguyễn Văn Thịnh cảnh báo: "Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, vùng tổn thương rộng, diện cắt bỏ nhiều. Đi kèm với đó là chi phí tốn kém, điều trị dài ngày...".

Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân hãy hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ nói chung, tầm soát ung thư nói riêng để không gặp phải bế tắc ngay cả khi không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa nên được tiến hành ở người bình thường độ tuổi trên 50. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ xuất hiện tổn thương ở ống tiêu hoá. Ngoài ra, những người hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều nên tầm soát vì nguy cơ cao mắc ung thư thực quản. Người có tiền sử gia đình, bố mẹ mắc ung thư dạ dày, ung thư đại tràng cũng nên đi kiểm tra hàng năm để phát hiện tổn thương tiền ung thư. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng phát hiện viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày nặng cũng cần phân loại tầm soát hàng năm để có dữ liệu xem bao lâu thì nên tầm soát lại bằng soi thực quản dạ dày hay soi đại tràng.

Hệ thống tiêu hóa gồm các cơ quan là dạ dày, thực quản, tuyến tụy, gan, đại tràng. Khi có vấn đề các cơ quan này sẽ đưa ra những tín hiệu báo động. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, ung thư không có những dấu hiệu rõ ràng, vì vậy bạn nên lắng nghe cơ thể mình và chủ động đi khám khi có các dấu hiệu sau:

Đầy hơi, chướng bụng: nếu kéo dài và không thuyên giảm cho thấy dạ dày và hệ tiêu hóa đang gặp trục trặc, không nên chủ quan.

Khó nuốt: Khi thực quản có các khối u, tế bào ung thư sẽ trở nên hẹp hơn và khiến người bệnh đau khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng. Các triệu chứng khác kèm theo gồm khan tiếng, ho, ợ chua, ngạt thở khi no hoặc khi ăn nhanh.

1--1--1616490783-96-width660height440

Một số triệu chứng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: Bệnh viện K

Hôi miệng: Ung thư thực quản khiến các cơ quan hệ tiêu hóa hoạt động không ổn định, thứ ăn không được tiêu hóa hết và lên men do sự hoạt động của vi khuẩn. Kết quả là chúng sinh mùi và thoát ra ngoài theo đường miệng, hơi thở của người bệnh sẽ có mùi hôi và miệng chua ngắt rất khó chịu.

Phân có máu: Đây là tình trạng thường gặp của bệnh ung thư ruột già. Vì vậy bạn nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Thói quen đại tiện thay đổi: Nếu bị táo bón, tiêu chảy thường xuyên và kéo dài, có thể cho thấy nguy cơ bị ung thư đường ruột. Dấu hiệu này thường kèm theo triệu chứng như đau quặn ruột, mót đi cầu, phân nhỏ dẹt,…

Người dân cũng cần chú ý đến các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa trên gồm khoang miệng, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, gan, đường mật, ruột non; đường tiêu hóa dưới gồm đại trực tràng, hậu môn. Khi có dấu hiệu bất thường... thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.

Người Đông Á có tỷ lệ ung thư dạ dày cao do gen Người Đông Á có tỷ lệ ung thư dạ dày cao do gen Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm Bệnh ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa Bệnh ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục