Tán nhỏ "củ gừng" trong thận người đàn ông

P.V, icon
11:59 ngày 21/09/2019

VTV.vn - Đi thăm khám tại một số bệnh viện, người đàn ông 62 tuổi ở Hà Nội phát hiện có sỏi san hô trong thận phải, kích thước hơn 7cm.

Đến khám tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc, phim chụp CT cho thấy: thận phải có sỏi to, kích thước 7cm, sỏi phân nhánh, lấp kín các đài bể thận.

Theo bác sĩ Phạm Huy Huyên, Phó Giám đốc bệnh viện, đây là loại sỏi san hô rất hiếm gặp, đặc biệt kích thước rất lớn. Bình thường sỏi thận khoảng 2cm đã được xếp vào loại to nhưng sỏi của bệnh nhân lớn hơn nhiều lần. Tiền sử 2 lần mổ lấy sỏi cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Cũng theo bác sĩ Huyên, nếu tiếp tục mổ mở để lấy sỏi như trước đây, người bệnh có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, chưa kể vết mổ dính cũng sẽ gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu không điều trị sỏi sẽ tàn phá các nhu mô thận, làm mất chức năng thận, có thể phải cắt thận.

Sau khi cân nhắc, bác sĩ Huyên lựa chọn tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ vì phương pháp này ít xâm lấn. Các bác sĩ chỉ rạch một chấm nhỏ (5mm) để mở đường hầm vào đến thận nơi có sỏi và sau đó bắn vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ nhờ laser công suất cao, tiếp tục sử dụng áp lực chân không hút các mảnh sỏi vỡ vụn ra ngoài.

Sau 2 tiếng, 1/2 tảng sỏi được tán ra ngoài thành công. Bệnh nhân tiếp tục được thực hiện tán phần sỏi còn lại sau 4 ngày. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh sau can thiệp.

Qua trường hợp sỏi thận này, bác sĩ Phạm Huy Huyên khuyến cáo: những người đã có tiền sử sỏi quan trọng nhất là phải thăm khám và xử lý sớm sỏi. Càng điều trị sớm thì càng đơn giản và nhanh chóng. Đừng chủ quan, chờ cho tới khi sỏi lớn, gây biến chứng mới bắt đầu tìm đến bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục