Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc do ăn quả rừng

Lý Nam, icon
08:30 ngày 24/05/2023

VTV.vn - Thời điểm tháng 5, 6, nhiều quả rừng chín rộ, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc nhưng có màu sắc sặc sỡ, nhìn ngon miệng nên người dân tự hái ăn dẫn đến ngộ độc.

Quả Hồng Châu.

Các vụ ngộ độc do rau, quả từ cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đáng lưu ý, các gia đình có con đang trong độ tuổi học sinh, trên đường đi học về, đi chăn bò, lấy củi… do trẻ em chưa ý thức được sự nguy hiểm quả rừng có thể gây ngộ độc chết người mà rất dễ hái ăn ngay.

Những vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do ăn phải một số loại quả rừng như: Quả Hồng Châu; quả Chí Chụa (theo tiếng địa phương), quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ…

Để công tác phòng chống ngộ độc do ăn quả rừng đạt hiệu quả, ngay từ đầu tháng 5 - thời điểm các loại quả rừng bắt đầu chín, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã chỉ đạo Phòng Truyền thông của trung tâm phối hợp các trạm y tế xã, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, các đơn vị trường học trên địa bàn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là học sinh, giáo viên cách nhận biết các loại quả rừng có nguy cơ gây ngộ độc thông qua các buổi học ngoại khoá của trường, các buổi chợ phiên, các buổi họp thôn bản tại cộng đồng.

Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm phù hợp, hiệu quả. Tuyệt đối không nên ăn các loại rau, quả rừng chưa biết rõ nguồn gốc dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục