Tăng đột biến người bệnh nhập viện do đột quỵ não

Nguyễn Tuyết, icon
06:28 ngày 16/01/2021

VTV.vn - Trong đợt rét đậm từ đầu tháng 1 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận 7 - 8 ca đột quỵ mỗi ngày.

Bệnh nhân Đ.C.P. (58 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng đau đầu đầu âm ỉ, liệt nửa người phải.

Người nhà cho biết: Cách vào viện 6 giờ, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, mệt mỏi nhiều, buồn nôn nhưng không nôn, không sốt, yếu 1/2 người phải. Sơ bộ chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị đột quỵ não.

Thông qua chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não cho thấy: Bệnh nhân có hình ảnh ổ nhồi máu hành não giai đoạn cấp, ổ nhồi máu chất trắng cạnh sừng trán não thất phải giai đoạn mạn tính, chảy ít máu màng não vùng chẩm trái giai đoạn mạn tính. Bệnh nhân được điều trị nội khoa, không có chỉ định can thiệp thuốc tiêu huyết khối và can thiệp nội mạch. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân phục hồi chậm, để lại di chứng liệt nửa người.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.T.M. (64 tuổi, trú tại Tân Lạc, Hòa Bình), cách vào viện 3 giờ, bệnh nhân tự nhiên xuất hiện méo miệng, nói khó, liệt 1/2 người trái. Bệnh nhân được chẩn đoán: đột quỵ não (tai biến mạch máu não) trên nền bệnh tăng huyết áp vô căn.

Chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng nhồi máu nhân bèo - đầu nhân đuôi phải giai đoạn cấp tính, có chảy máu trong vùng nhồi máu. Vài ổ nhồi máu vỏ não thùy trán - đỉnh phải và đỉnh trái giai đoạn cấp tính; mặc dù đến viện sớm trong giai đoạn giờ vàng (trước 4,5h), nhưng do có chảy máu trong ổ nhồi nên không có chỉ định can thiệp. Bệnh nhân tiến triển tốt, song vẫn để lại di chứng lâu dài.

Theo bác sĩ Tạ Huy Kiên, Trưởng Đơn nguyên Đột quỵ, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, thống kê trong 40 ngày (từ 1/12/2020 - 10/1/2021), tổng số bệnh nhân đột quỵ trong toàn bệnh viện lên đến gần 240 người. Đột quỵ thường gặp ở những người 50 tuổi trở nên, nhất là người có bệnh nền mãn tính như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường…;không thích nghi được với thời tiết, đặc biệt khi trời rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh đột quỵ trẻ hóa vẫn có xu hướng tăng. Trong đó, người bệnh dưới 50 tuổi chiếm tới 13%.

Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ là rất cần thiết và quan trọng.

Bác sĩ Tạ Huy Kiên khuyến cáo: Người dân cần giữ ấm cơ thể, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các bệnh lý nền, đặc biệt là huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và các bệnh lý về đường hô hấp, hạn chế các yếu tố nguy cơ như uống rượu bia, hút thuốc lá, uống cà phê, các stress và sang chấn tâm lý đột ngột…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục