Thai phụ cần điều trị dự phòng để giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ

Minh Đức, icon
02:47 ngày 22/10/2019

VTV.vn - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 3.800 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ lên đến 1.520 trẻ nếu thai phụ không điều trị dự phòng.

Chiến dịch phòng chống HIV/AIDS luôn được Nhà nước, xã hội quan tâm trong nhiều năm qua, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Được biết, chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020, hiện tỷ lệ này đang là 1,93%.

Theo Ủy ban Quốc gia về Phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm, từ khi triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6 hàng năm, bắt đầu từ 2009) đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2010 là 10,8%; 5 năm sau (2015) tỷ lệ này giảm còn 2,8% và đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thông tin từ Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 0,19% (tương đương với hơn 3800 trường hợp) và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1140 - 1520 trẻ (chiếm 30 - 40%). Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây truyền HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị lây truyền căn bệnh này từ mẹ.

Do đó, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm trước và trong quá trình mang thai thấp, mới ở mức 53%, khiến công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả tối đa.

Để duy trì và giảm hơn nữa tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; tăng cường điều trị dự phòng bằng ARV hiệu quả, quản lý tốt cặp mẹ con nhiễm HIV từ khi người mẹ được phát hiện; theo dõi tải lượng HIV thường quy cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị dự phòng bằng ARV cho tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, để giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2020 như mục tiêu đề ra, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phấn đấu 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT được điều trị ARV sớm. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục