Thay khớp háng thành công cho bệnh nhân 108 tuổi

Mạc Thảo, icon
08:00 ngày 18/12/2021

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần cho bệnh nhân 108 tuổi bị gãy cổ xương đùi sau tai nạn giao thông.

Phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân T.S.M. (nữ, 108 tuổi, trú tại Tiên Yên, Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng sưng nề hông đùi phải, hạn chế vận động khớp háng phải sau tai nạn giao thông, thể trạng gầy.

Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh gãy cổ xương đùi phải. Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và gây mê hồi sức đã hội chẩn, chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 30 phút. Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân có thể đứng dậy tập đi lại nhẹ nhàng.

BSCKII. Vũ Quang Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Trường hợp người cao tuổi gãy cổ xương đùi nếu không phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân thường mất khả năng đi lại như trước do không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi. Kéo theo đó là các hệ lụy do phải nằm lâu, bất động tại chỗ như viêm loét tì đè vùng mông, gót chân, lưng… làm giảm chất lượng sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân.

Thay khớp háng thành công cho bệnh nhân 108 tuổi - Ảnh 1.

Hướng dẫn bệnh nhân tập vận động sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Ở người cao tuổi, chất lượng xương kém hoặc có loãng xương kèm theo nên liền xương rất khó khăn. Việc kết hợp xương bằng các phương tiện như vít xốp, nẹp vít, đinh nẹp, nẹp vít nén ép... thường không mang kết quả như mong muốn. Vì vậy, phẫu thuật thay khớp háng là lựa chọn giúp người bệnh thoát khỏi đau đớn, phục hồi vận động nhanh chóng.

Theo bác sĩ Nghĩa, trường hợp bệnh nhân đã 108 tuổi là thách thức đối với phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê. Phẫu thuật đòi hỏi an toàn về mặt gây mê hồi sức, tầm soát tốt các bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường và các bệnh lý khác. Thời gian phẫu thuật rút ngắn để hạn chế các nguy cơ tai biến do gây mê, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Cần cầm máu kỹ hạn chế tối đa nguy cơ mất máu trong và sau phẫu thuật.

Để có một hệ xương khớp tuổi già khỏe mạnh, các bác sĩ khuyên người cao tuổi nên:

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp hạn chế tình trạng loãng xương, yếu cơ, cũng như các bệnh lý mạn tính ở người cao tuổi (NCT).

Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên, phù hợp với thể trạng giúp người cao tuổi chăm sóc, nuôi dưỡng hệ thống sức khỏe cơ xương khớp, nâng cao sức khỏe toàn thân, tăng cường sự dẻo dai, khả năng cân bằng của cơ thể, làm cho tinh thần thoải mái, trí óc minh mẫn. Tuy nhiên, cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp theo thể trạng cũng như sức khỏe của NCT.

Phòng tránh té ngã tuổi già: Bố trí đồ đạc gọn gàng, hợp lý, sử dụng các vật dụng như gạch lót nền, thảm trải nền có độ bám tốt chống trơn trượt. Xây dựng không gian sống đầy đủ ánh sáng, bố trí các hệ thống thanh vịn, tay nắm vững chắc để phòng ngừa té ngã cho NCT.

Theo dõi sức khỏe thường xuyên, thăm khám định kỳ: NCT cần theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên tại nhà, thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để rà soát, phòng ngừa bệnh xương khớp tuổi già.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục