Thời tiết mưa phùn, nồm ẩm: Nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu

Lê Hòa (Sở Y tế Hà Nội), icon
09:23 ngày 11/02/2023

VTV.vn - Liên tục trong những ngày qua, Hà Nội và một số khu vực Bắc bộ rơi vào tình trạng mưa phùn, nồm ẩm, là điều kiện thuận lợi để nhiều căn bệnh Đông Xuân "vào mùa".

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi.

BSCKII. Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Thời tiết lạnh ẩm là một trong những điều kiện thuận lợi để nhiều căn bệnh đông xuân "vào mùa". Một trong những mặt bệnh thường gặp và phổ biến nhất chính là cúm mùa, thủy đậu... Trong những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu tới thăm khám.

Nhập viện trong tình trạng liên tục sốt cao, bệnh nhân M.T.T. (sinh năm 1972) rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ. Bệnh nhân chia sẻ, những ngày đầu, toàn thân đau nhức, mỏi như như "vừa bị đánh", kèm theo những cơn đau đầu, ớn lạnh và viêm long đường hô hấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc cúm A cùng đợt viêm cấp gan B mạn nên phải điều trị, theo dõi.

BSCKII. Trần Thị Kim Anh cảnh báo: Thời tiết lạnh và nồm ẩm đi kèm ô nhiễm không khí tại Hà Nội những ngày gần đây là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển, gia tăng. Khi thời tiết chuyển giao mùa Đông Xuân là lúc mỗi người cần phải phòng tránh bệnh cúm. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, từ đó dẫn tới tử vong", vị chuyên gia nhấn mạnh. Dù đã cảnh báo nhiều lần song hiện nay, vẫn có tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu mà không theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc khiến "tiền mất, tật mang".

Theo BSCKII. Trần Thị Kim Anh, người dân khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Ngoài cúm mùa, theo độ ẩm không khí cao khiến hơi nước tụ khắp sàn nhà, cửa kính... là những yếu tố khiến virus, vi khuẩn phát triển mạnh, là nguyên nhân khiến nhiều căn bệnh khác như sởi, thủy đậu, các bệnh hô hấp... có nguy cơ gia tăng. Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền là những người có hệ miễn dịch yếu, sức chống chọi với vi khuẩn, virus kém nên dễ nhiễm bệnh.

Đặc biệt, tiêm vaccine phòng bệnh là một trong những việc không thể bỏ qua. BSCKII. Trần Thị Kim Anh nhấn mạnh: Người dân nên tiêm chủng đầy đủ với các bệnh đã có vaccine dự phòng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục