Triển khai các hoạt động điều tra, giám sát, phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người

Mai Lê, icon
06:09 ngày 13/05/2023

VTV.vn - Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các hoạt động điều tra, giám sát sau khi ghi nhận 2 ca mắc liên cầu lợn.

Hình minh họa.

Sau khi ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân mắc liên cầu lợn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế địa phương tiến hành giám sát, điều tra và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.

Tại huyện Ea H’leo, nơi ghi nhận trường hợp bệnh nhân P.K.T., mắc liên cầu lợn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế thị trấn Ea H’leo đã tới nhà bệnh nhân để triển khai các hoạt động điều tra, giám sát tình hình bệnh. Theo bệnh nhân P.K.T., trước khi mắc các triệu chứng của bệnh, trên đường đi làm về, thấy có điểm bày bán thịt heo, bệnh nhân ghé vào mua tiết canh và một ít nội tạng của heo về nhà làm tiết canh và ăn. Khi nhập viện điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán Viêm màng não do Streptocotus Suis.

Bác sĩ Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo cho biết: Sau khi ghi nhận trên địa bàn có trường hợp bệnh nhân mắc liên cầu lợn, đơn vị đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc… Đồng thời chú trọng quản lý trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, theo dõi sức khỏe các trường hợp có yếu tố dịch tễ trong khu vực ghi nhận trường hợp mắc bệnh để phát hiện sớm ca bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cũng phối hợp với cơ quan thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh liên cầu lợn trên động vật và trên người để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch và xử lý ổ dịch tại địa phương.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh liên cầu lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố, riêng tại tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh. Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện giám sát, phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người theo quy định của Bộ Y tế; Chú trọng phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người. Hướng dẫn các khoa, phòng, Trạm Y tế các xã, thị trấn chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ để kịp thời phát hiện bệnh sớm.

"Để phòng bệnh liên cầu lợn, chúng tôi khuyến cáo người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc. Các trường hợp khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: sốt cao đột ngột, đau đầu, chóng mặt, nổi ban ở da, ù tai… và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục