Tự điều trị không đúng cách dễ để lại di chứng hậu COVID-19

P.V, icon
10:30 ngày 20/03/2022

VTV.vn - Lo lắng về COVID-19, hoang mang hậu COVID-19, nhiều người bệnh chủ động tự ý điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

Hình minh họa.

Không ít người dân tự ý điều trị COVID-19

Số lượng người dân mắc COVID-19 ngày càng tăng, người bệnh chủ yếu được hướng dẫn điều trị bởi đội ngũ y tế phường xã, tuy nhiên, không ít người bệnh tự ý điều trị bằng nhiều cách, góp nhặt từ mạng xã hội, các trang thông tin, cũng như truyền tai nhau các phương pháp chữa trị.

Theo tìm hiểu, cũng như từ thực tế xung quanh cho thấy một số cách tự điều trị phổ biến điển hình của người dân trong dịch COVID-19 phải nói đến như:

Lạm dụng các phương pháp dân gian một cách thái quá: Chị N.T.H., ở Đông Anh, Hà Nội nghe hội chị em truyền tai nhau xông lá liên tục sẽ nhanh khỏi COVID-19. Chị H. cho biết: Chị thực hiện xông với tần suất 5 lần 1 ngày mà không điều trị gì thêm, cũng không khai báo với y tế xã để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Tự ý sử dụng thuốc kháng virus, thuốc tăng sức đề kháng rao bán, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội: Anh H.V.T., ở Hưng Yên nghe theo tư vấn và rao bán trên mạng facebook mà mua thuốc tăng sức đề kháng của Nga cho cả nhà uống mà không rõ xuất xứ, hiệu quả thực tế ra sao.

Hậu COVID, nhiều người bị ám ảnh lo sợ về di chứng, tự ý uống thuốc điều trị các biểu hiện ho, mất ngủ, rụng tóc, mất tập trung mà không có tư vấn hay kê đơn từ bác sĩ...

Và rất nhiều các cách tự điều trị COVID-19 được người dân truyền tai nhau thực hiện. Tất cả các phương pháp điều trị nói trên không được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ, cũng như không có kiểm chứng hiệu quả nhưng người dân vẫn áp dụng cho bản thân và gia đình. Không chỉ tiền mất, bệnh không khỏi, mà đó còn là nguy cơ tiềm ẩn các di chứng hậu COVID-19 người bệnh có thể phải đối mặt và khó có thể biết và lường trước được.

Tất cả các phương pháp điều trị cần được tư vấn hướng dẫn bởi bác sĩ và phù hợp với sức khỏe, tình trạng bệnh của mỗi cá nhân để có hiệu quả nhanh.

Tự ý điều trị - nguy hiểm di chứng hậu COVID-19 khó lường

BSCKI. Vũ Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Khó có thể tránh khỏi tình trạng người dân tự ý điều trị bệnh và không nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ. Bởi bên cạnh tâm lý đám đông, người dân chưa có hiểu biết hoặc hiểu không đúng, không sâu về những hệ lụy diễn ra do tự ý điều trị COVID-19.

Bác sĩ Tuấn khuyến nghị: Người dân khi bị COVID-19 cần khai báo với y tế địa phương để điều trị theo sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ dựa trên các triệu chứng cũng như tình trạng của thể của sức khỏe bản thân.

Một số người bệnh F0 tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm nhóm Corticoid, thuốc chống đông điều trị ở nhà. Việc dùng các thuốc này không đúng chỉ định vừa không có lợi mà còn có rất nhiều tác dụng phụ khó lường. Các loại thuốc Corticoid khi được bác sĩ kê đơn và phải dùng đúng liều lượng, thời gian do bác sĩ kê. Vì thuốc có Corticoid dùng không đúng sẽ gây suy giảm miễn dịch và nguy cơ gây nặng hơn; gây rối loạn chuyển hoá, mất kiểm soát đường huyết ở người bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp…

Bên cạnh đó, hậu COVID-19 là vấn đề không phải ai cũng mắc sau khi hết F0. Người mệt mỏi, rụng tóc vì quá căng thẳng trong cuộc sống, công việc, hoặc làm việc quá sức, có bệnh lý mạn tính... từng mắc COVID-19 nên cho rằng đây là di chứng. Thực tế có thể triệu chứng là dấu hiệu một bệnh lý khác. Nếu điều trị di chứng mà bỏ sót các bệnh lý nền có sẵn ở người bệnh như ung thư, đột quỵ, sẽ bỏ lỡ giai đoạn điều trị vàng và không hiệu quả. Một số triệu chứng hậu COVID-19 cần thời gian để phục hồi hoàn toàn mà không cần điều trị.

Một số người có biểu hiện di chứng hậu COVID-19 quá hoang mang, nhưng không đến bệnh viện khám và điều trị phù hợp mà tự chữa theo những cách lan truyền trên mạng xã hội, sử dụng thực phẩm chức năng, lạm dụng thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch... khiến bệnh nặng hơn. Hiện nay trên mạng xã hội hình thành các hội nhóm "F0 khỏi bệnh" chia sẻ những bài thuốc Đông y, toa thuốc Tây y, mẹo chữa di chứng... chưa được kiểm chứng khoa học, như uống đường cát vàng chữa hạ đường huyết; dùng máy sấy tóc sấy nóng lòng bàn chân, mũi họng để giảm đau rát họng...

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh: Chữa bệnh bằng các bài thuốc hay mẹo truyền miệng thường không có tác dụng, mất thời gian điều trị, mất tiền vô ích. Dùng thuốc sai còn gây buồn nôn, nôn, ngộ độc thuốc, tương tác thuốc, suy gan thận, biến chứng nặng hơn.

Mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình để có thể đi khám hậu COVID-19 khi thực sự cần thiết, cũng như cần có sự tư vấn từ bác sĩ về các vấn đề sức khỏe đang phải đối mặt sau khi khỏi COVID-19. Quan trọng nhất là tỉnh táo và hiểu biết trước những nguồn thông tin liên quan đến sức khỏe của bản thân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục