Ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hóa

Minh Khương, icon
06:00 ngày 01/09/2022

VTV.vn - Không chỉ có tỷ lệ mắc và tử vong cao mà ung thư đại tràng còn ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Bệnh nhân Đ.T.Q, mới ngoài 30 tuổi, trú TP. Hạ Long, Quảng Ninh vào viện với lý do đau bụng, kèm đi ngoài phân dính máu, khi vào được các bác sĩ cho nội soi sinh thiết phát hiện ung thư trực tràng. 

Bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) điều trị xạ trị, hóa chất và phẫu thuật nội soi thay hậu môn nhân tạo. Bệnh nhân tâm sự: "Nếu tôi mà thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đại trực tràng sớm hơn, thì tôi đã không phải thay hậu môn nhân tạo như bây giờ".

BSCKI Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung Bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ: " Có những bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà tôi từng mổ mới có 21 tuổi, mà không phải phát hiện giai đoạn sớm, khi đến đã có hiện tượng tắc ruột. Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam khoảng 7 đến 8 bệnh nhân trên 100 nghìn dân, ở Bệnh viện Bãi Cháy mỗi năm chúng tôi phẫu thuật khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc K đại trực tràng".

Ung thư đại trực tràng, là loại ung thư phổ biến trên thế giới. Theo Tổ chức Ung thư Thế giới, năm 2020, ước tính mỗi năm có trên 1,9 triệu người bị mắc và khoảng 935 nghìn người bị chết vì ung thư đại tràng. Còn theo thống kê của Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.

Theo thống kê của Liên hiệp Anh và 19 nước châu Âu, từ 2005, số ca mắc ung thư đại trực tràng ở độ tuổi 40-50 tăng 1,4% mỗi năm. Đến giai đoạn 2008-2016, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở độ tuổi 20-39 đã tăng 7,4% (tăng nhiều nhất là nhóm từ 20-29 tuổi), tỷ lệ ung thư trực tràng của cùng độ tuổi cũng tăng 1,8% mỗi năm từ năm 1990.

Ung thư đại trực tràng do nhiều nguyên nhân như chế độ sinh hoạt, môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thì các triệu chứng thường âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Do vậy, khi có một trong các dấu hiệu sau, người dân nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám:

- Rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa.

- Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân.

- Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.

- Đau bụng thường xuyên.

- Mệt mỏi thường xuyên.

- Sút cân không rõ nguyên nhân

Ung thư đại tràng có chữa được không?

Ung thư đại tràng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Tiên lượng sống sau 5 năm ở người bị ung thư tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị hiệu quả hơn. Tiên lượng sống sau 5 năm theo giai đoạn là:

Giai đoạn 0 và giai đoạn 1 được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỷ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm.

Giai đoạn 2: Khoảng 1/4 số người bị ung thư đại tràng được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, sau khi phẫu thuật, hơn 3/4 người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể sống trên 5 năm.

Giai đoạn 3: Khoảng 23% số người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn này. Tiên lượng phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư. Sau khi phẫu thuật gần một nửa người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm.

Giai đoạn 4: Khoảng 9% số người mắc ung thư đại tràng đã lan sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Đối với ung thư giai đoạn này, tỷ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu ung thư đã di căn vào gan và các khu vực trong gan có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, theo một số nghiên cứu tỷ lệ sống 5 năm vào khoảng 25-40%.

BSCKI Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo: Ung thư đại trực tràng nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ. Trong đó, việc tầm soát ung thư đại trực tràng cũng đóng vai trò quan trọng giúp bạn phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. 

Đối với những người không có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng, nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50. Đối với những người có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng, nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục