Vi khuẩn Whitmore - "Sát thủ" ăn thịt tái xuất

Thanh Ba (VTV8), icon
07:56 ngày 11/09/2019

VTV.vn - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ tái bùng phát của bệnh nhiễm khuẩn Whitmore hay vi khuẩn ăn thịt.

(Ảnh: Science Photo Library)

Trước đây, tại Việt Nam, trong mỗi thập niên chỉ có khoảng 2 ca nhiễm khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca. Điều đáng ngại là nếu 6 tháng đầu năm có 4 ca, riêng trong tháng 7 có 4 trường hợp, tháng 8 có tới 12 người nhập viện và 4 người tử vong vì căn bệnh này. Đây là bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40% nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh phù hợp. Whitmore là bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra. Đôi khi chỉ một vết xây xước nhỏ tiếp xúc với môi trường đất, nước chứa vi khuẩn Whitmore, vết thương sẽ bị biến chứng nặng như: nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi và gây tử vong chỉ trong vài ngày.

Vi khuẩn ăn thịt Whitmore đã xuất hiện tại các nước nông nghiệp Đông Nam Á từ cách đây hơn 1 thế kỷ trước khi lan sang Australia, Mỹ, Anh. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên cách đây 94 năm, nhưng sau đó bệnh chỉ còn xuất hiện lẻ tẻ đến mức gần như bị quên lãng và thậm chí còn bị chẩn đoán nhầm.

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết:

Vi khuẩn ăn thịt người như cách mọi người vẫn gọi chính là bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis), là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao do khó khăn trong chẩn đoán và quá trình điều trị. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da bị tổn thương, xây xước tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hay hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn, hoặc tiếp xúc với động vật chết bởi nhiễm bệnh Whitmore như: chó, mèo, bò, dê. 

Do chưa có vaccine cũng như chưa có bức tranh đầy đủ về những vùng nguy cơ cao của bệnh để có thể phòng tránh bệnh chủ động nên những người làm việc, tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp như: giày, ủng, khẩu trang, găng tay và nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Bệnh có xu hướng tăng cao vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7 - 11. 

Cơ sở điều trị cũng cần lưu ý các trường hợp có biểu hiện sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là những người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mãn tính, người già thường có các biểu hiện lâm sàng đa dạng và những người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất (như nông dân) để tránh chẩn đoán nhầm hoặc muộn, dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân đã từng bị nhiễm khuẩn Whitmore phải thường xuyên tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, phải có sự kiên trì điều trị vì để điều trị khỏi bệnh cần đến 6 tháng.

Theo nhận định của các chuyên gia, vùng Đông Bắc Thái Lan gần với miền Trung Việt Nam là tâm điểm của dịch bệnh nhiễm khuẩn ăn thịt trên thế giới. Tại một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, Whitmore hoàn toàn không phải là bệnh hiếm gặp như từng bị lầm tưởng. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng chống bệnh chắn chắn là vô cùng cần thiết.


Các con đường lây nhiễm của bệnh Whitmore Các con đường lây nhiễm của bệnh Whitmore

VTV.vn - Mặc dù bệnh Whitmore không phải là bệnh mới, lạ nhưng nhiều người chưa biết về các con đường lây nhiễm của căn bệnh nguy hiểm này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục