Viêm não Nhật Bản và cách phòng tránh

P.V, icon
02:18 ngày 09/06/2019

VTV.vn - Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, tỷ lệ tử vong cao, tháng 5 - 8 hằng năm là cao điểm của bệnh.

Hình minh họa.

Bệnh lây truyền từ súc vật (như lợn, chim) mang virus sang người qua muỗi chích có tên là Culex. Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản thường xảy ra cao điểm trong mùa hè - từ tháng 5 đến tháng 8. Nhiệt độ cao thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất vào lúc chập tối.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương, bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Theo y văn thế giới, tại những vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm tỷ lệ trên 90% số trường hợp mắc bệnh. Trong đó, đa số là trẻ từ 1 - 5 tuổi.

Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, phối hợp điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng, sức khỏe cho người bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

- Bệnh viêm não Nhật Bản hiện đã có vaccine phòng bệnh, thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm.

Do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi.

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.

- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục