Xử lý thế nào khi bị ngộ độc từ hải sản chứa độc tố?

Ban Thời sự, icon
10:10 ngày 10/07/2017

VTV.vn - Khi xuất hiện những dấu hiệu bị ngộ độc, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, trong đó nôn là biện pháp có hiệu quả nhất.

Ngộ độc do ăn hải sản chứa độc tố là một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ bởi gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ  ngộ độc liên quan đến hải sản. Đáng lo ngại hơn, đó là nhiều loại hải sản lâu nay vẫn luôn là loại thực phẩm phổ biến nhưng trong một số trường hợp lại trở thành độc tố gây ngộ độc.

Theo một công bố mới đây của Viện Hải dương học, hiện trên vùng biển Việt Nam có tới 39 loài hải sản mang nhiều độc tố gây chết người. Trong đó có 22 loài cá, 1 loài mực tuộc, 2 loài ốc, 3 loài cua, 1 loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có hai loài cá nóc nước ngọt nên tổng cộng là 41 loài sinh vật độc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng hiện nay đều chưa nắm được cũng như khá chủ quan đối với những loài hải sản có chứa độc tố.

Những loài hải sản độc này có thể gây ngộ độc và nặng hơn là tử vong cho con người theo hai cách: một là qua đường tiêu hoá do các món ăn chế biến từ cá và hải sản; hai là qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng căn, chích hoặc phóng tên độc.

Những biểu hiện của ngộ độc hải sản thường là: tê ở môi, lưỡi, rồi lan dần xuống chân tay hoặc nôn, đau bụng đi ngoài, lơ mơ, khó thở, tiểu ra máu. Do đó, khi xuất hiện những dấu hiệu bị ngộ độc, cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, trong đó nôn là biện pháp có hiệu quả nhất.

Để tạo cảm giác buồn nôn, người bị ngộ độc có thể dùng than hoạt tính hoặc lông gà đã qua rửa sạch bằng nước muối, đưa vào gần cuống họng, cũng có thể gây nôn bằng cách dùng ngón tay ngoáy họng.

Sau khi đã nôn, người bệnh cần uống nước trà đường nóng, nước sắc lá sim, lá ổi để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc rồi đưa đến viện cấp cứu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục