Yên Bái: Bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 22/4

Linh Chi, icon
08:34 ngày 21/04/2021

VTV.vn - Tỉnh Yên Bái dự kiến triển khai tiêm vaccine cho 4.489 người là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ ngày 22/4.

Hình minh họa.

Đối tượng tiêm vaccine bao gồm: Nhóm 1 là người làm việc trong tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bao gồm y tế công lập và y tế tư nhân: dự kiến 4.034 người.

Nhóm 2 là người tham gia phòng chống dịch (không thuộc lực lượng y tế): thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, cấp huyện: 450 người và người tham gia trực tiếp tại các khu cách ly tập trung khách sạn là 5 người.

Trong trường hợp vẫn còn vaccine (vì sau khám sàng lọc có những trường hợp hoãn hoặc chống chỉ định) thì dự kiến lựa chọn tiếp theo là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã.

Vaccine còn lại tại huyện, thị, thành phố nào thì Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động thông báo, mời đối tượng tiêm bổ sung phù hợp đảm bảo sử dụng hết số lượng vắc xin được cấp. Tổng số thành viên ban chỉ đạo cấp xã là 5.354 đối tượng.

Thời gian tiêm: từ ngày 22 - 27/4: Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho cán bộ y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh, tất cả thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, Sở Y tế và Bệnh viện Lao và bệnh phổi.

Ngày 27 - 29/4 và từ ngày 4 - 7/5: Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đồng loạt trên toàn tỉnh tại 11 đơn vị bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh (những cán bộ còn lại), Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và tại 8 Trung tâm y tế các huyện và thành phố Yên Bái, chia thành 2 lần, mỗi lần chỉ tiêm vaccine dự kiến cho khoảng gần 50% đối tượng trong danh sách tiêm của cơ sở tiêm chủng để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên tại đơn vị.

Từ ngày 7/5 đến hết ngày 12/5 tiêm cho các đối tượng bổ sung.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng chủ động thực hiện theo dõi, giám sát các phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế thành lập 1 Tổ cấp cứu thường trực, bố trí sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị tại khoa hồi sức cấp cứu, sẵn sàng xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Hoạt động Tổ cấp cứu được duy trì trong suốt thời gian triển khai tiêm chủng. Tại mỗi điểm tiêm phân công cụ thể cán bộ y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có), sẵn sàng các phương tiện cấp cứu tại chỗ, hộp chống sốc.

Nếu xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, thì dừng ngay buổi tiêm chủng và xử trí cấp cứu theo quy định. Quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục