Trước đây, CTCP Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng thường xuyên vay ngân hàng trên 4 tỷ đồng nhưng nay chỉ vay 1,7 tỷ đồng. Chủ doanh nghiệp cho biết, sắp tới sẽ trả hết nợ ngân hàng và thu hẹp sản xuất vì hàng hóa khó tiêu thụ.
Ông Vương Hồng Văn, CTHĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng cho biết: “Trước chúng tôi có 150 công nhân nay chỉ còn 70. Không bán được sản phẩm nên thu hẹp sản xuất và không có nhu cầu vay vốn ngân hàng”.
Còn Công ty băng tải cao su Tự Thành hiện không vay ngân hàng, thậm chí còn gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Chủ doanh nghiệp cho biết, do lo ngại chính sách tín dụng luôn thay đổi và để tránh rủi ro doanh nghiệp không mở rộng quy mô sản xuất nên không cần vay ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện cũng có không ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng lại rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Một loạt tiêu chí ngân hàng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng đang là những rào cản vô hình khiến dòng chảy tín dụng khó đến được với doanh nghiệp.
Thậm chí có ngân hàng khi thẩm định phương án kinh doanh còn yêu cầu doanh nghiệp chứng minh bí quyết kinh doanh vốn là điều doanh nghiệp không bao giờ tiết lộ.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng, thủ tục vay vốn ngân hàng cần phù hợp hơn với thực tế của doanh nghiệp và giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu vốn đang khiến dòng chảy tín dụng từ ngân hàng đến doanh nghiệp bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp từ mỗi phía ngân hàng là chưa đủ mà cần có thêm các giải pháp tổng thể như đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và có biện pháp giải quyết hàng tồn kho cho các doanh nghiệp.