Theo một báo cáo được Nhóm nghiên cứu Boston có trụ sở tại Mỹ công bố hồi tháng 5 vừa qua, có tới gần 60% lãnh đạo cấp của cao các tập đoàn công nghệ vốn thành lập đầu thế kỷ XXI tại Trung Quốc đều cho biết: Mở rộng ra thị trường quốc tế được xem là ưu tiên số 1 hiện nay thay vì tập trung vào thị trường nội địa.
Địa điểm được các công ty công nghệ Trung Quốc hướng đến là Ấn Độ và Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, có 4 lĩnh vực chính được tập trung đầu tư đó là thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, thanh toán Fintech và trò chơi điện tử trực tuyến. "Mặt trận" thương mại điện tử có lẻ đang là nóng bỏng nhất khi Alibaba đi đầu bỏ ra tới 2 tỷ USD rót vào trang thương mại điện tử Lazada đến từ Indonesia. Kết quả, thị phần của Lazada tại Đông Nam Á đang là số 1, khi tăng trưởng tới 3 con số trong quý mới nhất. Còn đối thủ JD.com được chống lưng bởi Tencent cũng rót hàng trăm triệu USD vào các nền tảng bán hàng trực tuyến tại Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia.
Trên mặt trận ứng dụng gọi xe, Didi Chuxing năm 2017 cũng đã đầu tư khoảng 500 triệu USD cho Grab, còn ứng dụng giao hàng Meituan Dianping cũng nhanh chân rót tiền trong vòng gọi vốn trị giá 1,2 tỷ USD của Go Jek.
Tại Ấn Độ, Xiaomi là cái tên thành công nhất. Dự báo đến cuối năm 2019, chỉ 2 năm sau khi bước chân vào thị trường tỷ dân này, số cửa hàng bán điện thoại thông minh giá rẻ của Xiaomi sẽ cán mốc 10.000. 100 triệu chiếc smartphone đã được bán ra, giúp Xiaomi đánh bật Apple vươn lên giành vị trí thứ 3 trong top 5 nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!