Hơn 10 năm trước, "hoa hậu" của cuộc thi nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới là Mỹ. "Hoa hậu" Mỹ có một lý lịch hoành tráng: đông dân, GDP khổng lồ, môi trường kinh doanh, đầu tư thân thiện hàng đầu thế giới, thị trường tài chính phát triển và thị trường lao động bình ổn. Danh hiệu "Hoa hậu cạnh tranh" dường như không còn ai xứng đáng hơn Mỹ.
Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, có những thí sinh tuy mới nổi nhưng rất đáng gờm, thậm chí chiếm ngôi vị số 1, không cần phải có GDP khủng, cũng không cần quá đông dân. Liên tiếp 3 năm liền, đảo quốc sư tử Singapore trở thành ứng viên số 1 cho ngôi vị "Thị trường cạnh tranh nhất thế giới".
Trong top 30 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới còn có những cái tên như: Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, vị trí cao hơn Trung Quốc.
Singapore giữ vị trí số 1 là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. (Ảnh: Straits Times)
Bảng xếp hạng nền kinh tế cạnh tranh của năm 2020 của IMD
Bảng xếp hạng những nền kinh tế mang tính cạnh tranh nhất thế giới là một kim chỉ nam hàng năm rất được giới chức cũng như doanh nghiệp quan tâm. Tuần vừa qua, Viện Quản lý Kinh tế (IMD) tại Thụy Sĩ đã đưa ra bảng xếp hạng của năm 2020.
Đứng vị trí số 1 (thị trường cạnh tranh nhất thế giới) là đảo quốc Singapore. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tụt hạng xuống thứ 10, thấp hơn cả Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và thấp hơn Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Năm nay, Việt Nam không góp mặt trong bảng xếp hạng này của viện IMD, nhưng trong bảng xếp hạng uy tín và nổi tiếng hơn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 67 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỗi năm, "vương miện" hoặc vị trí trong top 10 lại có thể thuộc về một quốc gia khác. Có thể thấy, "hoa hậu" của bảng xếp hạng này chưa chắc đã là quốc gia giàu có nhất về GDP, hay đông dân nhất. Các nền kinh tế được cho là bé nhỏ hơn đã "leo" lên một vị trí cao hơn, thậm chí vượt mặt Mỹ và Trung Quốc.
Vậy thế nào là "cạnh tranh", dựa vào đâu để đánh giá một nền kinh tế là có tính cạnh tranh? Với tình hình dịch bệnh hoành hành, định nghĩa về "cạnh tranh" sẽ thay đổi như thế nào?
GDP lớn chưa chắc đã nói lên điều gì
Theo ông Roberto Crotti (thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF), để đánh giá nền kinh tế cạnh tranh, chúng tôi dựa vào 12 tiêu chuẩn, ví dụ như quốc gia đó đầu tư thế nào cho hạ tầng cơ sở, thị trường lao động, cũng như là sự tiến bộ về khoa học, về công nghệ. Trong những tiêu chuẩn đó, GDP lớn chưa chắc đã nói lên điều gì.
"Chúng tôi đã nhận thấy nhiều nền kinh tế nhỏ hơn nhưng lại thể hiện tốt hơn những quốc gia lớn trong tiến bộ công nghệ hay xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc nâng cao đời sống của người lao động. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều nền kinh tế nhỏ vượt lên các vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng, họ bỏ xa những cường quốc khác trong thu nhập bình quân đầu người và chất lượng cuộc sống nói chung.
Lấy ví dụ như Singapore, đứng vị trí số 1 hiện tại về độ cạnh tranh. Singapore đang thể hiện tốt hơn hầu hết các nước OECD, đặc biệt trong hạ tầng cơ sở, thị trường lao động và thị trường tài chính năng động. Đây cũng là một thị trường mở, với vị thế rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng cũng phải nói thêm, năm nay là một năm đặc biệt. Dịch bệnh sẽ khiến nhiều khái niệm và tiêu chuẩn thay đổi", ông Roberto Crotti cho biết.
Hơn 10 năm trước, "hoa hậu" của cuộc thi nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới là Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters)
"Một nền kinh tế cạnh tranh sẽ có những chiến lược chống dịch, phòng ngừa rủi ro và phục hồi nền kinh tế tốt. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến cho việc dịch chuyển lên nền tảng số của nhiều lĩnh vực kinh tế phải diễn ra nhanh hơn nên thích nghi và phát triển công nghệ cũng sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định xem nền kinh tế có đủ sức cạnh tranh hay không. Với những quốc gia lớn như Mỹ hay Trung Quốc, trở ngại của họ rất khác nhau. Chúng tôi đang chờ đợi xem những nền kinh tế này có thể vượt qua thời điểm khó khăn này như thế nào" - ông Roberto Crotti cho biết thêm.
Những khó khăn mà Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt đã phần nào kéo lùi thứ hạng của các quốc gia này trên bảng xếp hạng cạnh tranh của những tổ chức toàn cầu.
Mỹ trong bảng xếp hạng của IMD đang đứng thứ 10, còn Trung Quốc đứng thứ 20, sau cả Qatar về độ cạnh tranh.
Vậy những trở ngại nào đang khiến những nền kinh tế khổng lồ, trụ cột phải nhường vị trí cao trong thứ hạng cạnh tranh toàn cầu?
Những "người khổng lồ" đang tuột dốc
Vấn đề lớn nhất khiến nền kinh tế Mỹ tụt hạng cạnh tranh là trở ngại về bảo trợ thất nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Số liệu mới nhất công bố cho thấy 45,7 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin thất nghiệp, trong khi tỷ lệ số người nhận được trợ cấp trong tuần đầu tháng 6 chỉ là 14%.
Còn tại Trung Quốc, nơi bùng phát ổ dịch lớn đầu tiên trên thế giới, dịch bệnh đã làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong 4 tháng đầu năm nay. Nền kinh tế chứng kiến mức giảm 6,8% trong quý I. Đến khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ, sự phục hồi kinh tế mới chỉ ở bề nổi. Mới ngấp nghé phục hồi, Trung Quốc lại đối mặt với nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ 2 ập đến.
Mỹ, Trung Quốc đang để vuột mất "vương miện hoa hậu" cạnh tranh nhất thế giới. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, việc Bắc Kinh, nơi vốn thực hiện nghiêm ngặt nhất các lệnh cách ly mùa dịch nay lại có cả trăm ca nhiễm mới chỉ trong vài ngày, chắc chắn sẽ khiến các thành phố khác cân nhắc và trì hoãn việc mở cửa nối lại hoạt động kinh doanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang mất dần tự tin vào thị trường Trung Quốc.
Cuối cùng, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong một cuộc so gắng chưa có hồi kết. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã góp phần kéo tụt 7 bậc của Mỹ và 6 bậc của Trung Quốc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh. Những đòn thuế quan "ăn miếng trả miếng" khiến hàng loạt doanh nghiệp phải oằn mình cõng thuế, thậm chí là tính chuyện chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác.
Việc những nền kinh tế quy mô nhỏ nhưng có chiến lược phát triển rõ ràng đã phần nào thay đổi góc nhìn truyền thống về việc thế nào là tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đây là một bước tiến đáng nể của những nền kinh tế khu vực châu Á, khi có thể chen vào top đầu với những cái tên như: Đức, Thuỵ Sĩ, Mỹ, Đan Mạch.
Dịch bệnh sẽ giống như một nút khởi động lại. Các nền kinh tế sẽ có những phương hướng mới để tăng tính cạnh tranh của mình. Ví dụ như Trung Quốc, họ đang rất chú trọng phát triển công nghệ và viễn thông, như một bệ phóng cho rất nhiều ngành nghề khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!