Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Lần đầu tiên sau hơn 2 năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất. Cụ thể, mức lãi suất cho vay 1 năm xuống còn 5,6%, đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt hơn về lãi suất huy động. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý vừa rồi của Trung Quốc giảm xuống 7,3%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đặc biệt, mục tiêu của đợt điều chỉnh này nhằm cứu vớt các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc khỏi tình trạng thiếu vốn và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Một số chuyên gia cho rằng, mức cắt giảm lãi suất hay nới lỏng quy định này vẫn là chưa đủ, nhưng có lẽ đây chỉ là bước đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc sau 2 năm không cắt lãi suất. Và Chính phủ Trung Quốc sẽ phải tìm mọi cách để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này, bởi họ chiếm tới 70% GDP và 60% sản lượng công nghiệp.
Tình trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc hiện rất tồi tệ, kể từ năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt quy định siết chặt quy trình cho vay đối với doanh nghiệp gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình vay vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đi vay vốn từ các ngân hàng tư nhân hoặc các thị trường đen với lãi suất cắt cổ lên tới 15%/tháng, chỉ vì không thể thỏa mãn được các điều kiện cho vay của Ngân hàng Trung ương.
Khi một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 3 năm nay đang phải đứng trên bờ vực phá sản, thì chính sách giảm lãi suất này được nhiều người coi như chiếc phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp. Và có lẽ, những người hy vọng chính sách này sẽ đạt được hiệu quả nhất chính là người lao động. Bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 80% thị trường lao động nước này. Nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ đủ vốn để tồn tại và phát triển, thì nhu cầu thuê tuyển nhân công cũng sẽ tăng lên. Nhưng đó mới là kì vọng của tương lai. Còn hiện tại, thanh niên Trung Quốc vẫn đang chật vật kiếm việc làm sau khi ra trường.
Những thách thức mà Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt không chỉ dừng lại ở đó. Thị trường bất động sản nước này hiện đang bị đóng băng. Giá nhà ở hầu hết các thành phố đã đồng loạt sụt giảm vì lãi suất quá cao khiến người dân khó mà đầu tư vào nhà đất. Trong khi đó, bất động sản lại là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Trung Quốc. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc cũng hy vọng việc giảm lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp vay thêm vốn, và làm nóng thị trường bất động sản. Nhưng liệu có dễ dàng như thế?
Những tác động của việc giảm lãi suất của đến các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Trung Quốc sẽ được phân tích chi tiết hơn trong video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.