Manơcanh đeo khẩu trang được đặt bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Tokyo ngày 22/4. Ảnh: Reuters
Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với tổng số ca mắc COVID-19 lên 32.986.039 ca, trong đó có 588.361 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này đã chững lại đáng kể.
Ấn Độ - nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới lại đang là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19. Với 379.257 ca nhiễm mới được công bố trong ngày - mức cao nhất từ trước tới nay, hiện tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này đã vượt 18 triệu ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.654 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người và đây cũng là mức cao kỷ lục mới. Tổng số ca tử vong tại nước này hiện là 205.942 ca.
Người lao động di cư chen chúc tại một bến xe thuộc ngoại ô thủ đô New Delhi để trở về quê - Ảnh: Reuters
Dịch bệnh hiện cũng đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản khi tổng số ca mắc mới tại nước này ở mức cao nhất trong 3 tháng, với 5.793 ca. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.027 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong 3 tháng qua. Từ đầu tuần này, thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô Tokyo bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 3 vừa qua sau thời gian liên tục giảm. Trung bình số ca mắc mới tại Tokyo trong 7 ngày qua đã tăng lên mức 782,1 ca, tăng 14,3% so với giai đoạn 7 ngày trước đó.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở thủ đô Moscow (Nga) đã tăng tới 75% lên 3.215 ca nhiễm mới. Cuộc sống ở thủ đô Moscow đã trở lại bình thường kể từ tháng 1 vừa qua khi nhà chức trách dỡ bỏ các hạn chế đối với nhân viên văn phòng, cho phép các quán bar và nhà hàng mở cửa xuyên đêm. Với tổng số gần 4,8 triệu ca mắc, hiện Nga có số ca mắc cao thứ 5 thế giới.
Khi được xét nghiệm PCR, một số bệnh nhân nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Pháp có kết quả xét nghiệm âm tính dù họ có triệu chứng bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, một số nước trong châu lục, trong đó có Ireland và Pháp, đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế. Cụ thể, Ireland sẽ mở cửa các khách sạn vào ngày 2/6, trong khi các nhà hàng được phép phục vụ khách ở khu vực ngoài trời từ ngày 7/6. Ireland là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp nhất ở châu Âu, song lại mở cửa nền kinh tế chậm hơn nhiều nước cùng châu lục sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến vào tháng 12/2020.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết chính phủ nước này sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm, theo đó giờ giới nghiêm bắt đầu từ 19h00 như hiện nay sẽ được chuyển sang thành 21h00 từ ngày 19/5 và sau đó là 23h00 từ ngày 9/6. Đến ngày 30/6, lệnh giới nghiêm này sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Từ ngày 9/6, du khách nước ngoài có giấy chứng nhận y tế sẽ được phép vào lại Pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!