Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 608.968 ca tử vong trong tổng số 34.022.949 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 322.982 ca tử vong trong số 27.752.962 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 459.171 ca tử vong trong số 16.392.657 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 307 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 281 người và Bosnia-Herzegovina với 280 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu hiện có hơn 52,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latin và Caribe, với hơn 1 triệu ca tử vong trong số hơn 32,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 619.300 ca tử vong trong hơn 34,6 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 471.600 ca tử vong trong hơn 35,9 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 141.800 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 129.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân Viêng Chăn tại một điểm xét nghiệm dã chiến. Ảnh: Báo Quân đội
Trưa 29/5, Bộ Y tế Lào thông báo nước này chỉ ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, bao gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane. Đây là con số mắc mới thấp nhất kể từ khi làn sóng dịch thứ hai xuất hiện tại Lào vào cuối tháng 4 vừa qua. Tới nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.908 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 ca tử vong.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức 500 ca/ngày trong 2 ngày liên tiếp, trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và sự lây lan của các biến thể mới. Theo KDCA, nước này đã ghi nhận 533 ca mắc mới, trong đó có 505 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này lên 139.431 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong mới, nâng số ca không qua khỏi do COVID-19 lên mức 1.951 ca.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận thêm 173.790 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc theo ngày thấp nhất trong 45 ngày gần đây, trong khi có thêm 3.617 trường hợp tử vong. Tỷ lệ ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tổng số xét nghiệm đã tiếp tục giảm xuống còn 8,36%, ở dưới ngưỡng 10% trong ngày thứ 5 liên tiếp.
Theo giới chức y tế Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 tại nước này đang lắng xuống và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn ngay cả khi các hạn chế được nới lỏng đáng kể. Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới giảm dần đều trong 20 ngày qua. 24 bang cũng đã báo cáo số các ca dương tính giảm xuống kể từ tuần trước.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo ghi nhận thêm 1.169 ca mắc mới và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đảo quốc này lên 138.899 ca, trong đó có 933 ca tử vong. Trong số những ca mắc mới, có 1.135 ca lây nhiễm cộng đồng. Thủ đô La Habana ghi nhận 536 ca COVID-19 và tiếp tục là địa phương có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trên cả nước, hơn 422,4 ca/100.000 dân.
Đợt tiêm chủng diện rộng tại Cuba bắt đầu từ 12/5 tại 7 khu vực của thủ đô Havana. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Tại châu Âu, Hà Lan thông báo từ ngày 5/6 tới, các nhà hàng, viện bảo tàng và rạp chiếu phim sẽ được mở cửa trở lại, kết thúc giai đoạn phong tỏa chống dịch. Quyết định trên được đưa ra sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch, do số ca nhiễm đã giảm đáng kể trong khi chương trình tiêm chủng được đẩy nhanh.
Trong khi đó, Ireland cũng thông báo kế hoạch mở lại các câu lạc bộ, nhà hàng, quán rượu và hoạt động vận tải quốc tế. Đến nay, Ireland đã ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong do COVID-19 và là nước có tỷ lệ nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới theo số liệu của Đại học Oxford.
Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge dự báo đại dịch COVID-19 sẽ chỉ kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng, đồng thời bày tỏ thất vọng về việc chương trình tiêm chủng ở châu Âu đang được triển khai "quá chậm". Tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ mà WHO châu Âu phụ trách (bao gồm một số nước tại Trung Á), đến nay 26% người dân đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Tại Liên minh châu Âu (EU), con số này là 36,6%, trong đó 16,9% đã được tiêm đủ hai liều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!