Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đe dọa gây đứt gãy chuỗi sản xuất tại Thái Lan, một đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nhiều biện pháp dập dịch quyết liệt đã được triển khai.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết, để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 tại các nhà máy, Thái Lan đã áp dụng chính sách "bong bóng và niêm phong" trong bối cảnh 10% số công nhân nhà máy tại nước này bị nhiễm bệnh. Các trường hợp được xác nhận dương tính sẽ đưa đi điều trị, trong khi số công nhân còn lại sẽ cách ly tại nhà máy trong 28 ngày.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, hạn chế dịch COVID-19 lây lan ra bên ngoài, đồng thời giúp cho hoạt động xuất khẩu của Thái Lan giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi xuất khẩu đang là động lực chính hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế của Thái Lan khi chiếm tới 45% GDP của nước này trong năm 2020.
10% số công nhân nhà máy tại Thái Lan đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Thái Lan đã yêu cầu hơn 63.000 nhà máy trên toàn quốc phải tự đánh giá về các biện pháp phòng dịch, đồng thời yêu cầu các công nhân phải tự đánh giá sức khỏe của họ hàng ngày trước khi đi làm thông qua các hệ thống đánh giá của Bộ Y tế Thái Lan.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế và Bộ Công nghiệp Thái Lan sẽ kiểm tra tất cả các nhà máy lớn trong tháng 6, tập trung vào những nhà máy thực phẩm và nhà máy có biện pháp kiểm soát dịch bệnh không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cho rằng, về lâu dài, công nhân ở các nhà máy phải được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!