50 năm bài phát biểu phản đối chiến tranh Việt Nam gây chấn động nước Mỹ

Lê Tuyển, Phú Nguyễn, Mạnh Chiến (PV Đài THVN tại New York, Mỹ)-Thứ tư, ngày 05/04/2017 14:18 GMT+7

Mục sư Luther King (ảnh: TLE)

VTV.vn - Cách đây 50 năm, nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng người Mỹ gốc Phi, Martin Luther King, đã có bài phát biểu phản đối chiến tranh Việt Nam, gây chấn động nước Mỹ.

Để tưởng nhớ sự kiện này, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức trên khắp nước Mỹ, trong đó có lễ tưởng niệm tại Trung tâm Nhà thờ của Liên Hợp Quốc.

Hòa bình và công bằng xã hội là thông điệp xuyên suốt bài phát biểu của Martin Luther King. Ông cho rằng, thay vì đổ tiền cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, Chính phủ Mỹ nên đầu tư cho các chương trình phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống dân nghèo tại Mỹ.

Năm mươi năm sau, thông điệp ấy vẫn còn nguyên tính thời sự bởi thế giới vẫn chưa ngưng tiếng súng và đây đó vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử chỉ vì khác biệt màu da, giới tính hay tôn giáo.

Hơn 100 đại biểu tham dự buổi lễ đã cùng nhau cầu nguyện và ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong bài phát biểu của Martin Luther King.

Ông Anwarul Chowdhyry - Cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - phát biểu: "Tôi cho rằng thông điệp cơ bản cho tất cả chúng ta là không thể phát triển bền vững nếu không có hòa bình. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để chấm dứt xung đột, xây dựng văn hóa hòa bình trong tâm của tất cả mọi người".

Đúng như tiêu đề "Hơn cả Việt Nam: Thời khắc đập tan sự im lặng", bài phát biểu của Martin Luther King không chỉ bó hẹp trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mà còn hướng tới các giá trị toàn cầu.

Ông John McAuliff - Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển - cho hay: "Bài phát biểu của ông ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào phản chiến tại Mỹ. Không những thế, trong đó còn ẩn chứa tầm nhìn về phát triển bền vững, có luận điểm về một thế giới công bằng và không có nghèo đói".

Martin Luther King là người đi đầu trong phong trào đấu tranh bất bạo động, đòi bình quyền cho người da màu tại Mỹ. Ông bị ám sát tại Tennessee ngày 4/4/1968, tròn 1 năm sau bài phát biểu phản đối chiến tranh Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước