Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ngoài Trung Quốc khi nhiều nước xác nhận có thêm các ca nhiễm mới và danh sách các nước có ca nhiễm đầu tiên cũng tiếp tục nối dài. Các điểm nóng về dịch COVID-19 vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran.
Tại Trung Quốc đại lục, xu hướng gia tăng quay trở lại khi tính đến hết ngày 29/2, nước này ghi nhận thêm 35 trường hợp tử vong và 575 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong lên đến 2.870 và số ca nhiễm lên đến 79.826. Nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 5 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại vùng lãnh thổ này lên 39 người. Đến nay, Đài Loan đã ghi nhận 1 ca tử vong vì COVID-19, trong khi có 9 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại bang Washington. Bệnh nhân là một phụ nữ ở độ tuổi 50. Bang Washington đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Cùng lúc, Nhà Trắng áp đặt thêm các giới hạn đi lại quốc tế.
Ngoài Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai. Sáng 1/3, nước này đã ghi nhận thêm 376 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.526 ca. Các ca nhiễm tập trung phần lớn ở thành phố Deagu và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Tại thủ đô Seoul ở miền Bắc và thành phố Busan ở miền Nam, số ca nhiễm cũng tăng lên từng ngày.
Nhật Bản hiện đã ghi nhận 946 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 705 trường hợp liên quan tới tàu du lịch Diamond Princess đang neo đậu cách ly ở gần thủ đô Tokyo. Ngày 29/2, Thái Lan thông báo đã có 42 ca nhiễm COVID-19 ở nước này.
Trong khi đó, Iran vào ngày 29/2 đã ghi nhận 43 ca tử vong do COVID-19 và gần 600 ca nhiễm bệnh. Sáng 29/2, nghị sỹ Mohammad Ali Ramazani Dastak, người vừa được chọn làm đại biểu của thành phố Astana Ashrafieh vào tuần trước, đã tử vong sau khi được xét nghiệm dương tính với COVID-19 cách đây vài ngày.
Bộ Y tế Iraq cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Như vậy, hiện tổng số các ca nhiễm COVID-19 ở Iraq lên đến 13 trường hợp. Cùng ngày, Bộ Y tế Lebanon cho hay, đã có thêm 3 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở nước này, qua đó nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở Lebanon lên thành 7 trường hợp.
Tại châu Âu, Italy đã xác nhận 1.128 người nhiễm COVID-19 và 29 người đã tử vong. Các trường học cũng như quán cà phê tại nước này đã được lệnh đóng cửa để ngăn chặn virus lây lan. Ngày 29/2, Nga đã cho cách ly 5 người tiếp xúc với một công dân Iran nhiễm bệnh quá cảnh tại thủ đô Moscow.
Ngày 29/2, thêm hai quốc gia là Ecuador và Qatar đã ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm COVID-19. Saudi Arabia hiện là quốc gia vùng Vịnh duy nhất chưa ghi nhận ca nhiễm nào.
Trong nỗ lực tìm biện pháp phòng chống bệnh COVID-19, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc mới đây cho biết, huyết tương của những người được chữa khỏi bệnh đã phát huy tác dụng tích cực trong việc điều trị căn bệnh này. Theo đó, có tới 91 trong tổng số 157 bệnh nhân có tiến triển tích cực khi được điều trị bằng phương pháp này. Kháng thể đặc hiệu trong huyết tương đã giúp cơ thể người bệnh chống lại được virus SARS-CoV-2. Theo ghi nhận, Trung Quốc đã nhận được 544 lần hiến máu từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh. Các chuyên gia WHO đánh giá, việc dùng huyết tương chữa bệnh là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!