9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 01/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của UNAIDS, mỗi phút có 1 sinh mạng mất đi vì AIDS. 9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV nhưng không được tiếp cận với việc điều trị.

Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) năm nay là Để cộng đồng dẫn dắt. Mới đây, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã công bố báo cáo cùng tên với chủ đề Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay. Báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng, cũng như chỉ ra vấn đề thiếu kinh phí và các khó khăn khác đang là rào cản trong việc cứu sống bệnh nhân và chấm dứt căn bệnh thế kỷ. Theo báo cáo, mỗi phút có 1 sinh mạng mất đi vì AIDS. 9,2 triệu người trên khắp thế giới đang mang virus HIV nhưng không được tiếp cận với việc điều trị.

Dù không thể phủ nhận những tiến bộ đạt được trong việc giảm thiểu tới 70% số ca tử vong so với giai đoạn đỉnh điểm đầu những năm 2000, nhưng HIV/AIDS vẫn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, căn bệnh AIDS có thể không còn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, nhưng chỉ khi các cộng đồng ở tuyến đầu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mà họ cần từ chính phủ và các nhà tài trợ.

Bà Angeli Achrekar - Phó Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho rằng: "Cộng đồng chính là những người hiểu rõ nhất về cách thiết lập, thực hiện, giám sát các chương trình và chiến lược về HIV để tiếp cận những người cần giúp đỡ nhất, chính cộng đồng sẽ là những người duy trì việc ứng phó HIV trong tương lai. Đó là lý do của chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm nay. Đây không chỉ là lúc để tôn vinh sự lãnh đạo của cộng đồng, mà là thời điểm để chúng ta kêu gọi hành động, kêu gọi các chính phủ hỗ trợ đầy đủ cho cộng đồng, kêu gọi các tổ chức hỗ trợ toàn diện cho công tác cứu sống con người và xóa bỏ các rào cản đối với sự lãnh đạo của cộng đồng".

9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV - Ảnh 1.

Tác động tích cực của các mô hình từ cộng đồng

Vào năm 2015, Liên hợp quốc đã lần đầu tiên đặt ra mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, là một phần của Mục tiêu Phát triển Bền vững. Những tiến bộ lớn nhất trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và thế giới đang tiến tới hoàn thành mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025.

Mục tiêu 95-95-95 bao gồm:

- 95% số người sống chung với HIV biết về tình trạng của mình

- 95% những người chẩn đoán có HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus

- 95% người được điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Các nước thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi - nơi tập trung tới 2/3 số ca có HIV của thế giới cũng đang nỗ lực đạt mục tiêu 95-95-95. Các mô hình phòng chống, gia tăng hiểu biết về HIV từ trong chính cộng đồng đang cho thấy những tác động tích cực trong cuộc chiến với HIV/AIDS.

9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV - Ảnh 2.

Anh Lebohang Seboni là nhà giáo dục, người cố vấn tại tổ chức mang tên Takuwani Riime (Diễn đàn nam giới). Đây là một tổ chức do cộng đồng lãnh đạo, cung cấp địa điểm để nam giới tập hợp và được tư vấn, tìm hiểu về cách phòng ngừa HIV cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Anh cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi trò chuyện với nam giới trong các buổi đối thoại. Đó có thể là một buổi mà chúng tôi gọi họ là liệu pháp 'can thiệp trong quán rượu'. Chúng tôi đến quán rượu với một nhóm nam giới và thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến họ với tư cách là đàn ông".

Trở ngại lớn cho việc chấm dứt HIV/AIDS tại Nam Phi nơi anh Seboni sinh sống, là tình trạng bất bình đẳng giới và khoảng cách đáng kể trong việc cung cấp kiến thức và bao phủ dịch vụ liên quan HIV/AIDS đối với nam giới và trẻ em trai. Những tổ chức như Diễn đàn nam giới đang cố gắng khắc phục vấn đề này.

Ông Charles Mphephu - Nhà sáng lập tổ chức Diễn đàn nam giới: "Chúng ta cần thay đổi và tập trung vào nam giới cũng như thay đổi hành vi xã hội về mặt sức khỏe nam giới. Có những người đàn ông bị bỏ mặc, có người không muốn đến phòng khám, thậm chí họ chẳng có thông tin về HIV/AIDS".

Từ việc chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đến việc ủng hộ tiếp cận các biện pháp can thiệp với chi phí phải chăng và các dịch vụ chăm sóc cộng đồng lấy người bệnh làm trung tâm, các cộng đồng đã định hình việc phản ứng với HIV trong nhiều thập kỷ qua. Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới trao quyền cho các cộng đồng cơ sở trên toàn thế giới để lãnh đạo cuộc chiến chấm dứt bệnh AIDS.

9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV - Ảnh 3.

Bà Angeli Achrekar - Phó Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước thừa nhận sự lãnh đạo của cộng đồng, đảm bảo rằng cộng đồng dẫn đầu trong các vai trò mà chúng ta biết họ có thể làm được và họ là trung tâm trong hoạt động ứng phó với HIV. Thứ hai, về nguồn lực, chúng ta cần đảm bảo rằng các lãnh đạo cộng đồng được cung cấp nguồn lực phù hợp. Chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn tài trợ trên toàn cầu cho các tổ chức cộng đồng, con số này cần phải tăng lên. Thứ ba và cuối cùng, chúng ta cần bảo vệ cộng đồng. Bảo vệ quyền cơ bản của mọi người.

Tổ chức Y tế thế giới đang tiếp tục sát cánh cùng các đối tác toàn cầu để hoan nghênh vai trò của cộng đồng trong việc thu hẹp khoảng cách xét nghiệm, điều trị và chăm sóc cho những người bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy tiến trình chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS. Nhu cầu cấp thiết là tiếp tục tài trợ cho các chương trình phòng chống HIV ngay từ cộng đồng để có thể tiếp cận rộng hơn với những người bị ảnh hưởng. Những nỗ lực này rất cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong chẩn đoán và điều trị người nhiễm HIV và giúp tất cả các quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu 95-95-95.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

virus HIV

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước