Đây là nhận định mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 13/12, sau khi nâng dự báo hồi tháng 9 là 4,7% đối với tăng trưởng kinh tế khu vực.
Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế (không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand) là nhờ "đòn bẩy" của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hồi chuyển về tăng mạnh.
ADB nhận định, triển vọng tăng trưởng ở các tiểu vùng không đồng đều. Khu vực Đông Á và Nam Á đều được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, lần lượt ở mức 4,7% và 5,7 % trong năm nay. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đạt 4,3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,6%.
Đối với Trung Quốc, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 vẫn được duy trì ở mức 4,5%.
Theo đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý III năm nay. Các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa trong tháng 9 vừa qua cũng đảo chiều tăng mạnh, nhờ Chính phủ Trung Quốc áp dụng các chính sách khôi phục và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Trung Quốc nỗ lực phục hồi kinh tế
Kể từ đầu năm 2023, đặc biệt là từ quý 3 đến nay, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong lĩnh vực bất động sản, có thể kể đến các biện pháp như: gia hạn gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bất động sản, mở rộng diện đối tượng được hưởng ưu đãi khi vay mua nhà, hạ lãi suất và tỷ lệ thanh toán trước.
Trong khi đó, để khuyến khích tiêu dùng, Trung Quốc đã gia hạn nhiều chính sách ưu đãi thuế như chính sách giảm thuế đối với xe năng lượng mới, chính sách giảm thuế và lệ phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ …
Về chính sách tài khóa - tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hai lần hạ lãi suất cơ bản để "bơm" tiền vào nền kinh tế. Cuối tháng 10/2023, chính phủ nước này đã bổ sung trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ (137 tỷ USD) dành cho việc phục hồi sau lũ lụt và phòng chống thiên tai…
Theo các chuyên gia, những giải pháp này đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giúp kinh tế Trung Quốc giữ vững đà phục hồi, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 5%.
Tăng cường quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á
Trung Quốc có quan hệ kinh tế - thương mại hết sức chặt chẽ với các nước trong khu vực châu Á. ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là một trong số 5 đối tác thương mại hàng đầu của nước này.
Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Trung Quốc đã chủ động đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước châu Á như: Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, việc tổ chức hàng loạt hội chợ thường niên quy mô lớn cũng là một cách làm hiệu quả để thúc đẩy và củng cố quan hệ thương mại với các đối tác châu Á và quốc tế, nổi bật là Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội chợ Trung Quốc - Nam Á, Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Mới đây nhất, nước này đã tổ chức thành công "Hội chợ xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc", thu hút hơn 500 công ty và tổ chức trong và ngoài nước tham gia để giới thiệu các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á sẽ ở mức 4,8% vào năm 2024. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức, tình hình thế giới còn nhiều bất định, rủi ro vẫn hiện hữu, từ việc lãi suất toàn cầu tăng cao cho đến các hiện tượng khí hậu cực đoan, các quốc gia châu Á cần tăng cường sự hợp tác và cảnh giác để bảo đảm nền kinh tế có khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!