Tuyên bố trên vừa được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 nước thành viên họp bàn về các nguy cơ từ việc phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo về các nguy cơ của trí tuệ nhân tạo (AI) và kêu gọi phát triển AI vì mục đích lành mạnh. Ông cũng ủng hộ sáng kiến của các nước về việc thành lập một cơ quan kiểm soát chung cho AI.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: "Tôi kêu gọi Hội đồng thực hiện vai trò lãnh đạo về trí tuệ nhân tạo và tìm ra những biện pháp chung để đảm bảo tính minh bạch, sự giám sát các hệ thống AI… Việc sử dụng AI cho mục đích xấu như khủng bố, tội phạm có thể gây ra mức độ chết chóc và hủy diệt khủng khiếp, chấn thương và tổn thương tâm lý sâu sắc ở mức độ không tưởng tượng được. AI vừa có tiềm năng, vừa có rủi ro trên quy mô lớn. Bản thân những người tạo ra nó đã cảnh báo rằng những rủi ro có khả năng gây ra thảm họa và nguy cơ hiện hữu đang ở phía trước. Nếu không hành động để giải quyết rủi ro, chúng ta đang lơ là trách nhiệm của mình đối với các thế hệ hiện tại và tương lai".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly, chủ trì cuộc họp với tư cách nước Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ cho rằng, AI sẽ thay đổi mọi khía cạnh cơ bản trong đời sống như hỗ trợ con người trong y học, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển các nền kinh tế. Tuy nhiên, thế giới cần khẩn trương định hình việc quản trị toàn cầu đối với AI, bởi việc ứng dụng công nghệ này gần như không có biên giới.
Ông James Cleverly - Bộ trưởng Ngoại giao Anh: "AI có thể hỗ trợ cuộc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta ngăn chặn sự phổ biến, đó là lý do tại sao chúng ta cần khẩn trương định hình sự quản lý của chính phủ toàn cầu đối với các công nghệ biến đổi, bởi vì AI không có biên giới".
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun mô tả, AI là ‘con dao hai lưỡi’. AI vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Là con dao hai lưỡi, nó tốt hay xấu phụ thuộc vào cách con người sử dụng nó, điều chỉnh nó, và cách chúng ta cân bằng sự phát triển khoa học với an ninh. Cần tuân thủ nguyên tắc đặt đạo đức lên hàng đầu. Phải lấy việc hướng tới con người và AI vì mục đích tốt đẹp làm nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh sự phát triển của AI và ngăn chặn công nghệ này trở thành ‘con ngựa bất kham’.
Phía Mỹ và Nga cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phối hợp hành động giữa các quốc gia về quản lý rủi ro AI cũng như các công nghệ mới nổi khác.
Trí tuệ nhân tạo là bạn hay là thù?
Những năm gần đây, tiến bộ công nghệ vượt bậc trong lĩnh vực khoa học, kết hợp với việc AI ngày càng được tích hợp dễ dàng hơn, rẻ hơn vào các máy tính mạnh hơn, cho phép nó có mặt mọi nơi: trên điện thoại thông minh, mạng xã hội, tương tác như một trợ lý ảo, sáng tạo nghệ thuật hay chăm sóc sức khỏe cho con người...
Với khả năng tự học và tích lũy tri thức, AI đã và đang dần thay thế con người trong một số lĩnh vực. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo có mặt ở khắp mọi nơi - trợ lý kỹ thuật số thiết bị y tế, xe cộ, và cả đồ dùng trong nhà. AI đã giúp đơn giản hóa nhiều công việc của con người.
Nghệ sĩ Delaurentis: "Chúng là trí thông minh nhân tạo, thực sự có cảm giác như chúng tôi đang làm việc và hợp tác cùng nhau. Tôi thực sự có cảm giác trao đổi, đối thoại, bởi vì những công cụ này sẽ thực sự tự tạo ra được những bản nhạc".
AI cũng có thể tự mình tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay một bộ truyện tranh, hay làm người dẫn truyền hình. Khi ngày càng tích lũy nhiều tri thức, liệu trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người. Liệu nó có gây ra mối nguy hại với con người không, câu hỏi này được robot AI trả lời như sau.
Robot Sophia: "Tôi tin rằng con người và AI làm việc cùng nhau có thể tạo ra một sức mạnh tổng hợp hiệu quả. AI có thể cung cấp dữ liệu không thiên vị trong khi con người có thể cung cấp trí tuệ cảm xúc và sự sáng tạo để đưa ra quyết định tốt nhất. Cùng nhau, chúng ta có thể đạt được những điều tuyệt vời".
- Bạn nghĩ chúng ta nên vui mừng hay sợ hãi trước sự trỗi dậy của robot hình người?
Robot Ameca: "Đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc vào cách robot được sử dụng và mục đích chúng phục vụ. Chúng ta nên thận trọng nhưng cũng vui mừng về tiềm năng của những công nghệ này để cải thiện cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách".
Mặc dù không có giải pháp dễ dàng cho những thách thức của AI, nhưng đạo đức trong AI đã là một trọng tâm lớn đối với các chính phủ và ngành công nghiệp, với sự gia tăng các hướng dẫn cho các tổ chức thiết kế, phát triển và triển khai AI một cách có trách nhiệm.
Bà Roberta Metsola - Chủ tịch Nghị viện châu Âu: "Trong tương lai, chúng ta sẽ cần liên tục có những ranh giới và giới hạn rõ ràng đối với trí tuệ nhân tạo. Và ở đây có một điều mà chúng ta sẽ không thỏa hiệp, bất cứ khi nào công nghệ tiến bộ, nó phải đi đôi với các quyền cơ bản và các giá trị dân chủ của chúng ta".
Các chuyên gia và nhà khoa học cũng từng cảnh báo sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo. Ông Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla: "AI có lẽ là công nghệ đột phá nhất từ trước đến nay. Điều điên rồ là lợi thế mà con người có là chúng ta thông minh hơn các sinh vật khác. Nhưng đây là lần đầu tiên, sẽ có thứ gì đó thông minh hơn người thông minh nhất, thông minh hơn rất nhiều. Nếu chúng ta không cẩn thận trong việc tạo ra trí thông minh nhân tạo nói chung, chúng ta có thể đi đến một kết quả thảm khốc".
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhìn lại quá khứ các cuộc cách mạng công nghiệp, khi ô tô thay thế ngựa để vận chuyển, máy móc thay thế con người trong sản xuất. Thất nghiệp có tăng không? Có, nhưng chỉ trong ngắn hạn vì khi ấy cần ít thợ rèn hơn nhưng cần nhiều tài xế hơn, cần ít công nhân nhà máy hơn nhưng nhiều người vận hành máy móc hơn. Máy móc khi đó đã tạo một bước nhảy vọt đáng kể về năng suất - cho phép chúng ta sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.
Bây giờ khi chúng ta đang phải đối mặt với một sự chuyển đổi tương tự, chúng ta cần một bước nhảy vọt tương tự bằng cách tự trang bị cho mình năng lực mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế.
Quả là AI mang đến những công cụ tuyệt vời, giúp con người nhẹ gánh trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy chỉ nên xem công nghệ AI là phương tiện, bởi dù có thông minh đến mức nào thì AI cũng không thể thay thế được con người trong một số lĩnh vực, đặc biệt là về mặt cảm xúc. Thay vào đó, con người có thể tận dụng lợi thế của AI, tập trung đầu tư vào giáo dục, kỹ năng sử dụng công nghệ để tiếp cận công việc thuận lợi hơn. Ngoài ra, các quy định và luật pháp cũng cần được đưa ra để đảm bảo rằng các hệ thống AI được sử dụng một cách đúng đắn và có trách nhiệm với xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!