Cam kết trên được nhà lãnh đạo Anh đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Brazil tại thủ đô London, Anh
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, khoản đóng góp của nước này cho Quỹ Bảo vệ rừng Amazon sẽ là 80 triệu Bảng Anh (102 triệu USD), giải ngân cho các chương trình ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú của khu vực.
Khoản đầu tư này được đánh giá là một chiến thắng ngoại giao mới nhất của Brazil khi nước này tìm cách kêu gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến cứu khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Ra mắt vào năm 2008 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Lula da Silva với cam kết của Na Uy đóng góp 1 tỷ USD, hoạt động của Quỹ Bảo vệ rừng Amazon đã bị đình chỉ dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro theo đường lối cực hữu.
Rừng Amazon bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: AP)
Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Lula da Silva đã hồi sinh quỹ này và tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu rừng Amazon vốn đóng vai trò quan trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Quỹ được sử dụng để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên ở khu vực Amazon, trong đó có việc chấm dứt hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở các khu bảo tồn bản địa và khôi phục việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường đã được nới lỏng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Bolsonaro.
Được xem là "lá phổi xanh của hành tinh", rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau.
Các tổ chức bản địa đại diện cho hơn 500 bộ lạc sinh sống tại lưu vực sông Amazon đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ lâu dài 80% diện tích rừng Amazon vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!