Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan biến thể Omicron, Trung Quốc có ca mắc biến chủng mới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ ba, ngày 14/12/2021 06:19 GMT+7

Hơn 270,8 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 14/12, thế giới có trên 270,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 50,85 triệu ca mắc và hơn trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 818.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số người mắc COVID-19 phải nhập viện tại Mỹ đã tăng 20% kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào cuối tháng 11 vừa qua. Số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này trong tháng qua cũng tăng 4,6%, lên hơn 800.000 người. Sau khoảng 2 tháng ghi nhận xu hướng giảm số ca nhiễm mới, tình hình dịch bệnh đã gia tăng trở lại tại Mỹ trong 2 tuần qua, chủ yếu do biến thể Delta. Các bang ở những khu vực thời tiết lạnh giá hơn như Vermont, New Hampshire và Michigan đang ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,69 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 475.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 616.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,18  triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Những dữ liệu ban đầu cho thấy, biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn. Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo báo cáo, Omicron gây ra sự giảm sút về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại sự lây nhiễm, nhiều khả năng Omicron sẽ vượt qua chủng Delta về quy mô lây nhiễm trong cộng đồng. Báo cáo cũng cho biết, tính đến thời điểm này, các ca nhiễm biến thể Omicron chỉ bị những triệu chứng nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này. Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan biến thể Omicron, Trung Quốc có ca mắc biến chủng mới - Ảnh 1.

Thế giới đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron tại Anh. (Ảnh: AP)

Chính phủ Anh đã thông báo một loạt biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, từ ngày 14/12, những người đã tiêm đủ vaccine nằm trong danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 sẽ phải xét nghiệm nhanh hàng ngày trong vòng 7 ngày. Những người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine sẽ phải tự cách ly trong vòng 10 ngày.

Anh đã quyết định nâng mức cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh chóng. Mức độ 4 đồng nghĩa với việc "tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế". Thủ tướng Boris Johnson cho rằng, nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp trong trận chiến với biến thể mới Omicron.

Ngày 12/12, nước này ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số người dương tính với biến thể này lên hơn 3.100 trường hợp, tăng 65% so với một ngày trước đó. Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ Anh nhấn mạnh tới việc cần phải khẩn trương củng cố bức tường bảo vệ vaccine. Chính phủ Anh đặt mục tiêu tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trên 18 tuổi trước cuối tháng 1/2022. Những người trên 30 tuổi sẽ được tiêm mũi tăng cường từ tuần tới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này. Thủ tướng Anh thừa nhận biến thể Omicron đang khiến nhiều người phải nhập viện và đáng buồn đã có ít nhất một bệnh nhân tử vong do nhiễm Omicron.

Ông Martin Hirsch, người đứng đầu Tập đoàn bệnh viện AP-HP của Pháp, cảnh báo, quốc gia châu Âu này sẽ chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 vào tháng 1/2022 do biến thể Omicron, được cho là có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trong khi biến thể Delta vẫn đang hoành hành và gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại nước này.

Hiện Pháp ghi nhận tổng cộng trên 8,25 triệu ca mắc, cao thứ 7 thế giới, và hơn 120.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19

Ngày 13/12, bang Queensland của Australia đã mở cửa trở lại đối với tất cả những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau gần 5 tháng đóng cửa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Australia đang chuẩn bị cho phép đi lại tự do đối với hầu hết cả nước vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới.

Queensland là bang đông dân thứ 3 ở Australia, đã đóng cửa biên giới với bang New South Wales từ tháng 7 và sau đó là với bang Victoria để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Bang Queensland đưa ra quyết định mở cửa trở lại sau khi vượt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số từ 16 tuổi trở lên, một điều kiện tiên quyết để tiến tới nới lỏng những quy định phòng ngừa dịch bệnh. Hãng hàng không Qantas cho biết, trong ngày 13/12 sẽ thực hiện 100 chuyến bay đến và đi từ Queensland để phục vụ gần 10.000 hành khách, trong đó hầu hết hành khách đã đặt vé trước.

Chính phủ Australia vừa công bố rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 tính từ khi hoàn tất tiêm mũi vaccine thứ hai từ 6 tháng xuống còn 5 tháng. Dựa trên quy định mới, ngày 12/12, Australia bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm vaccine tăng cường cho 1,5 triệu người đủ điều kiện.

Indonesia ngày 13/12 cho biết, nước này đã sẵn sàng để bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 - 11 tuổi từ ngày 14/12. Như vậy, Indonesia là một trong những quốc gia tiêm phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 6 - 11 tuổi sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trong chiến dịch lần này, khoảng 26,5 triệu trẻ em Indonesia trong độ tuổi trên sẽ được tiêm phòng COVID-19.

Hiện Indonesia ghi nhận hơn 4,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 13% ở nhóm từ 0-18 tuổi. Indonesia từng là quốc gia bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại châu Á trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, số ca mắc mới ghi nhận tại quốc gia này trong vài tháng gần đây đã giảm dần, từ mức trung bình 40.000 ca/ngày hồi tháng 7 xuống còn trung bình khoảng 400 ca/ngày vào tháng 11 vừa qua. Indonesia đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 38% tổng dân số 270 triệu người. Bên cạnh vaccine của Sinovac, Indonesia cũng sử dụng các vaccine của Moderna, Pfizer-BioNTech và AstraZeneca.

Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan biến thể Omicron, Trung Quốc có ca mắc biến chủng mới - Ảnh 2.

Indonesia là một trong những quốc gia tiêm phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 6 - 11 tuổi sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: AP)

Tờ Vientaine Times ngày 13/12 đưa tin, các quan chức Chính phủ Lào và giới doanh nhân nước này đã thảo luận kế hoạch mở cửa lại biên giới cho khách du lịch vào tháng 1/2022, cùng các biện pháp đặc biệt phòng chống COVID-19.

Cuộc họp trực tuyến trên diễn ra sau khi Chính phủ Lào thông qua kế hoạch các "vùng xanh du lịch", theo đó cho phép khách du lịch có thể tới thăm một số khu vực nhất định. Cuộc họp thảo luận việc sắp xếp cho du khách đến thăm các "vùng xanh du lịch" sẽ được áp dụng các biện pháp để đảm bảo việc đi lại an toàn cũng như ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.138 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 người nhập cảnh và 3 trường hợp tử vong do COVID-19. Số ca mắc mới tại nước này tiếp tục giảm 136 trường hợp so với ngày 12/12 nhưng vẫn ở mức 4 chữ số. Đáng chú ý, tuy số ca cộng đồng giảm mạnh (giảm 276 trường hợp so với một ngày trước đó) nhưng thủ đô Vientiane vẫn đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới trong một ngày với 533 trường hợp tại 152 bản thuộc 9 quận. Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 90.458 ca mắc COVID-19, trong đó có 250 trường hợp tử vong.

Thái Lan sẽ dỡ bỏ tất cả các vùng kiểm soát COVID-19 tối đa ("vùng đỏ"), đồng thời tăng số lượng các vùng thí điểm du lịch kể từ ngày 16/12. Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19, "vùng đỏ" thuộc diện kiểm soát tối đa sẽ được dỡ bỏ tại 23 tỉnh, trong khi số lượng các tỉnh thuộc "vùng da cam" sẽ tăng từ 23 lên 39.

Số lượng các vùng thí điểm du lịch được gắn thẻ xanh sẽ có tổng cộng 26/77 tỉnh. Các nhà hàng, quán ăn ở tất cả 77 tỉnh sẽ được phép phục vụ đồ uống có cồn cho khách hàng trong thời gian đếm ngược chào đón năm mới vào ngày 31/12 đến 1h sáng 1/1/2022. Tuy nhiên, chỉ những nhà hàng ngoài trời, có hệ thống thông gió tốt mới được phục vụ đồ uống có cồn trong thời gian nói trên. Khách hàng phải được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.

Ngày 13/12, giới chức y tế thành phố cảng Thiên Tân đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này tại Trung Quốc đại lục. Đây là một du khách nước ngoài, tới Thiên Tân hôm 9/12. Bệnh nhân hiện đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện.

Các ca mắc mới COVID-19 ở Trung Quốc trong thời gian qua đều là người nhập cảnh qua các thành phố cảng. Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị các thành phố cảng tăng cường công tác phòng chống dịch, siết chặt biện pháp tại những cơ sở lao động có nguy cơ cao, quản lý hoạt động ra/vào thành phố của người dân và đảm bảo quy trình nhập khẩu thực phẩm đông lạnh được thực hiện an toàn.

Đây là năm thứ hai liên tiếp người lao động nước này được vận động không về quê vào dịp Tết Nguyên đán. Động thái này diễn ra khi Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sau khi ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này.

Tỉnh Hà Bắc đã kêu gọi công chức, viên chức và các đảng viên nêu gương bằng cách ăn Tết tại chỗ thay vì về quê, tránh di chuyển không cần thiết. Địa phương này cũng khuyến khích người dân thuyết phục người thân của mình ở nước ngoài hay từ những khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình và cao trong nước không về quê đón Tết.

Ở tỉnh Quảng Đông, các doanh nghiệp địa phương được vận động thuyết phục nhân viên ở yên tại chỗ trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây lân cận, tất cả các cửa hàng đã được yêu cầu động viên nhân viên không đi lại. Chính quyền các địa phương đang tăng cường trừng phạt những đối tượng che giấu hoặc khai báo gian dối về lịch sử dịch tễ, cản trở nỗ lực truy vết.

Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành một dự án thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tính năng nhận diện khuôn mặt và hàng nghìn camera giám sát để theo dõi hoạt động của những người mắc COVID-19 tại thành phố Bucheon, một trong những thành phố đông dân nhất thuộc khu vực ngoại ô thủ đô Seoul. Hệ thống mới sử dụng thuật toán AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt để phân tích các hình ảnh thu được từ hơn 10.820 camera theo dõi hoạt động của những người nhiễm virus SARS-CoV-2, các trường hợp tiếp xúc gần và xác định liệu những người này có đảm bảo các biện pháp phòng dịch hay không.

Ngày 13/12, Hàn Quốc ghi nhận 5.817 ca nhiễm mới và 40 người tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức dưới 6.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), hiện tổng số ca bệnh tại nước này đã tăng lên 523.088 người, trong đó 4.293 bệnh nhân thiệt mạng. KDCA cho biết, Hàn Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 114 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi có thêm 24 ca mới liên quan đến biến thể này.

Nước Anh đang trong tình trạng khẩn cấp vì Omicron Nước Anh đang trong tình trạng khẩn cấp vì Omicron Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ WHO: Biến thể Omicron gây ít triệu chứng nghiêm trọng WHO: Biến thể Omicron gây ít triệu chứng nghiêm trọng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước