Đây là thông tin từ một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số này tương đương gần 4% GDP của kinh tế xứ sương mù. Ô nhiễm không khí là vấn đề được nhắc đến từ cả gần 100 năm nay qua tại Anh. London luôn là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu dù đã có nhiều giải pháp tiếp cận khắc phục vấn đề này từ lâu. Thực tế cho thấy, việc giải bài toán ô nhiễm không chỉ cần sự vào cuộc kịp thời mà cần cả một chặng đường kiên trì theo đuổi.
Trong bài báo điểm lại các nỗ lực chống ô nhiễm không khí của nhiều thành phố trên thế giới, trang BBC nhắc lại câu chuyện London trong những năm 50 của thế kỷ trước. Trong thế kỷ 19 và 20, London chìm trong khói từ các nhà máy nhiệt điện, từ công nghiệp nặng và cả khói từ than đốt sưởi của người dân. Khói quyện sương mù tạo thành lớp màn ô nhiễm dày đặc bao phủ thành phố, đỉnh điểm là năm 1952. Một đạo luật có tên Không khí sạch được ban hành vào năm 1956, đặt ra các khu vực kiểm soát khói bụi trong thành phố. Tại những nơi này, cả nhà dân và nhà máy chỉ được đốt các nhiên liệu không tạo khói. Hộ gia đình được hỗ trợ để chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn. Đạo luật này được mở rộng vào năm 1968 và chất lượng không khí được cải thiện dần tại London trong những thập kỷ sau đó.
Tháng 12/2019, theo một nghiên cứ được tờ Điện tín trích đăng, ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực ở London vẫn đang tương đương với độ nguy hiểm của việc hút 3 điếu thuốc lá mỗi tuần. Mức độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở trong giới hạn theo quy định của Liên minh châu Âu, nhưng đang cao gấp 2,5 lần mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Không còn đốt than như ngày xưa, thời nay có nhiều yếu tố mới bổ sung vào nguyên nhân ô nhiễm của London. Một trong số đó, theo tờ The Independent, là hoạt động tần suất cao của hệ thống tàu điện ngầm. Bụi PM2.5 trong hệ thống đường ray ngầm đang cao hơn 15 lần so với trên mặt đất và hệ thống tàu điện ngầm ở Anh được xem là hệ thống tàu điện ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi năm, London đang mất đến 60 triệu Bảng để làm sạch hệ thống tàu, nhà ga và đường ray ngầm, cùng với việc thí điểm áp dụng công nghệ khử bụi mới trên một số tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!