Kim Leadbeater - một nhà lập pháp của đảng Lao động cầm quyền tại Anh - đã xác nhận vào ngày 3/10 rằng bà sẽ trình dự luật về cái chết được hỗ trợ vào ngày 16/10.
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta nên trao cho những người đang phải đối mặt với cái kết không thể chịu đựng được nhất đối với cuộc sống của họ một sự lựa chọn về cách kết thúc sự khổ đau đó như thế nào" - bà Leadbeater viết trên tờ The Guardian.
Dự luật này dự kiến sẽ cho phép những người trưởng thành mắc bệnh nan y ở Anh và xứ Wales, có năng lực về mặt tinh thần, chỉ còn sống được 6 tháng hoặc ít hơn được lựa chọn kết thúc cuộc sống của họ và cho phép các bác sĩ giúp họ. Theo luật hiện hành, hành vi hỗ trợ tự tử có thể bị phạt tới 14 năm tù.
Đầu năm nay, Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết sẽ cho phép các nhà lập pháp bỏ phiếu tự do về vấn đề này. Theo đó, đảng Lao động Anh - đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 7 - sẽ không định hướng các thành viên của mình lựa chọn bỏ phiếu như thế nào. Các đảng khác cũng đã nói với các thành viên trong đảng rằng họ có thể bỏ phiếu theo lương tâm của mình.
Những người vận động ủng hộ cái chết được hỗ trợ tuần hành tại London (Anh) (Ảnh: EPA)
Một số nhà lập pháp từ tất cả các đảng lớn của Anh vẫn còn hoài nghi, đặc biệt là bày tỏ lo ngại rằng những bệnh nhân giai đoạn cuối - dễ bị tổn thương và cảm thấy họ đang trở thành gánh nặng cho gia đình - có thể phải đối mặt với áp lực kết thúc cuộc sống của họ.
"Mặc dù tôi rất tôn trọng cuộc tranh luận nhưng tôi vẫn chưa thấy luật nào giải quyết đầy đủ các mối quan tâm xung quanh sự ép buộc hoặc nghi ngờ" - nhà lập pháp của đảng Lao động James Frith đã viết trên mạng xã hội X. "Nếu một cuộc bỏ phiếu được tổ chức ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại cái chết được hỗ trợ".
Người thân cùng bệnh nhân mắc bệnh nặng lựa chọn "cái chết êm dịu" hiện có thể bị truy tố tại Anh vì tội hỗ trợ tự tử. Trong khi đó, ở những quốc gia như Thụy Sĩ, hành vi này đã được hợp pháp hóa từ năm 1942.
Trong những năm gần đây, Australia, Canada, New Zealand và một số bang của Mỹ đã hợp pháp hóa cái chết được hỗ trợ trong một số trường hợp nhất định. Tại Vương quốc Anh, Quốc hội Scotland đang xem xét dự luật tương tự.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 2.000 người Anh do nhóm nghiên cứu Savanta công bố vào tnagfy 4/10 cho thấy 48% ủng hộ trợ tử y tế, 21% phản đối, 22% nói rằng họ không ủng hộ hay phản đối và số còn lại không có ý kiến.
Những người ủng hộ cho rằng đây là sự thay đổi trong dư luận kể từ khi một biện pháp tương tự bị bác bỏ cách đây 1 thập kỷ.
"Đây là cơ hội lịch sử để mang lại sự thay đổi thực sự cho những người đang phải đối mặt với cái chết. Quan điểm ở Westminster đã thay đổi đáng kể, cuối cùng cũng bắt kịp với dư luận", Sarah Wootton, người đứng đầu nhóm chiến dịch Dignity in Dying cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!