Tiến sĩ Anthony Fauci, cái tên nổi bật trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020 của tạp chí Time
Chuyên gia ứng phó với các đại dịch
Hồi đầu năm nay, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ đã nhanh chóng gây ra làn sóng sợ hãi và hoang mang tột độ. Thế nhưng, đây không phải là điều mới mẻ với tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ, người trong suốt 30 năm qua đã lần lượt đối mặt với HIV, SARS, MERS, Ebola và thậm chí là các cuộc khủng bố sinh học, tấn công bằng bệnh than hồi năm 2001.
Ông Anthony Fauci sinh năm 1940 trong một gia đình dược sĩ người Italy nhập cư ở Brooklyn, thành phố New York. Ngay từ nhỏ ông đã làm quen với các kiến thức về y học khi phụ giúp cha mẹ tại hiệu thuốc của gia đình.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Cornell danh giá với thành tích đứng đầu lớp năm 1966, ông làm việc tại Bệnh viện New York, sau đó chuyển tới Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia và được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc năm 1984, đúng vào thời điểm nước Mỹ đang vật lộn chống lại căn bệnh AIDS.
Ở cương vị này, ông đã được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu, phát triển các biện pháp điều trị HIV/AIDS. Từ sự cảm thông với các bệnh nhân AIDS, ông Fauci được cho là đã thuyết phục các nhà quản lý nới lỏng hạn chế thử nghiệm lâm sàng để cho phép các bệnh nhân thử những loại thuốc mới.
Tiến sĩ Anthony Fauci được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu, phát triển các biện pháp điều trị HIV/AIDS (Nguồn: CNN)
Năm 2014, ông Fauci là người tham gia tuyến đầu chống dịch Ebola của chính phủ Mỹ. Theo chia sẻ của ông với tạp chí Sciencemag, khi đảm nhận điều trị trực tiếp cho người bệnh Ebola, ông muốn để mọi nhân viên thấy rằng ông sẽ không yêu cầu họ làm bất cứ việc gì mà bản thân ông không trực tiếp làm.
"Thật tuyệt vời, mãn nguyện khi được tham gia vào việc cứu sống một người". Ông đã nói như vậy về công việc của mình. Khi đó tờ Financial Times đã gọi ông là "Kẻ thù số 1 của Ebola".
Thậm chí, khi nhiều người dân Mỹ đã hoảng sợ vì một y tá bị lây bệnh từ một du khách đến từ Tây Phi, chính tiến sĩ Fauci đã đối mặt với những nỗi sợ hãi đó bằng cách nêu gương cá nhân. Khi người y tá được ra viện, ông đã không ngần ngại ôm người nữ y tá trước máy quay và tuyên bố cô đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Tiến sĩ Anthony Fauci ôm y tá Nina Pham sau khi cô được điều trị khỏi bệnh Ebola năm 2014 (Nguồn: CNN)
Với những đóng góp to lớn đó, không có gì khó hiểu khi trải qua 6 đời tổng thống kể từ thời Tổng thống Reagan tới thời Tổng thống Trump, ông vẫn luôn là một trong những vị cố vấn chuyên môn quan trọng của các tổng thống Mỹ khi phải ứng phó với một dịch bệnh. Ông Fauci luôn là người xuất hiện khi cần thông báo tới công chúng những thông tin về dịch bệnh nhờ tính thẳng thắn, khả năng chuyển những thông tin y tế phức tạp sang ngôn ngữ hàng ngày dễ hiểu với công chúng, không cường điệu cũng không coi nhẹ. Năm 2008, ông được chính phủ trao tặng Huân chương Tự do, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ.
Tiến sĩ Anthony Fauci được Tổng thống Mỹ George W. Bush trao Huân chương Tự do năm 2008 vì những đóng góp cho ngành y tế (Nguồn: CNN)
Người bác sĩ tận tụy trong cuộc chiến chống COVID-19
Trong suốt nhiều năm, ông nổi tiếng với thời gian làm việc 16 giờ/ngày và cả thói quen tranh thủ "giải lao" bằng cách chạy bộ 7 dặm (hơn 11 km) vào giờ nghỉ trưa để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số giờ làm việc mỗi ngày của ông thậm chí còn kéo dài hơn.
Ở tuổi 79, vị chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của chính phủ Mỹ thuộc nhóm đối tượng nhân khẩu học có nguy cơ cao bị mắc bệnh COVID-19. Thế nhưng, ông vẫn làm việc ngày đêm từ 19 đến 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Điều khác biệt là mục tiêu cần giải quyết của ông và các cộng sự bây giờ không còn là HIV/AIDS, căn bệnh mà họ đã góp phần biến thành một thứ bệnh mãn tính có thể kiểm soát được, mà là những diễn biến quá nóng của đại dịch COVID-19 hiện nay ở Mỹ.
Tiến sĩ Anthony Fauci trong một cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng (Nguồn: CNN)
Bên cạnh lịch trình dày đặc từ viết các báo cáo cho Tổng thống Donald Trump, đưa ra các tư vấn về chiến lược phòng, chống dịch, xuất hiện tại buổi họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng cho đến công việc quản lý tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, ông Fauci còn dành nhiều giờ đồng hồ để trả lời phỏng vấn trên mạng Internet và truyền hình nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh cho công chúng Mỹ. Mục tiêu chính của ông Fauci trong chiến dịch chống COVID-19 là kéo chậm và tiến tới kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, từ đó tạo thêm thời gian cần thiết để giới khoa học có thể tìm ra vaccine hay thuốc điều trị bệnh này.
Chỗ dựa đáng tin cậy của người dân Mỹ
Bên cạnh những trách nhiệm về chuyên môn, vị chuyên gia y tế hàng đầu này còn phải đảm nhiệm một công việc hết sức nhạy cảm, đó là tìm cách "đính chính" một cách tế nhị nhưng cũng thẳng thắn nhất có thể những phát biểu đôi khi hơi "bốc" quá của Tổng thống Trump trong các vấn đề liên quan tới dịch COVID-19.
Khi ông Donald Trump sốt sắng hối thúc các bang mở cửa trở lại nền kinh tế, tiến sĩ Fauci đã không ngừng đưa ra cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ hai tại Mỹ nếu mở cửa quá sớm. Một lần khác, khi ông Trump hồ hởi tuyên bố về vai trò của thuốc chống sốt rét trong cuộc đua tìm ra phương pháp điều trị COVID-19, ông Fauci đã không ngần ngại khẳng định với các phóng viên: chẳng có bằng chứng khoa học nào về việc thuốc chống sốt rét chữa được bệnh COVID-19!
Tiến sĩ Anthony Fauci sẵn sàng "đính chính" những thông tin chưa chính xác từ Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: CNN)
Bất kể thực tế có những xung đột quan điểm về dịch bệnh, thậm chí đã có lúc bị nhà khoa học này "sửa lưng" nhưng có thể thấy, Tổng thống Donald Trump luôn có một sự quý mến và tôn trọng vị chuyên gia đầu ngành thường có mặt cạnh ông trong những buổi họp báo hàng ngày về dịch bệnh COVID-19 của Nhà Trắng.
"Ông ấy là một người tốt. Tôi rất quý ông ấy. Ông ấy sẽ sớm trở lại". Tổng thống Trump đã nói như vậy trước báo giới trong một cuộc họp báo cuối tháng 3 khi các phóng viên hỏi vì sao ông Fauci không dự họp báo như thường lệ.
Tiến sĩ Anthony Fauci và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một chuyến thăm Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (Nguồn: CNN)
Cả giới chính trị gia cũng như giới chuyên gia y tế cùng nhận định rằng sự khác biệt của tiến sĩ Anthony Fauci là ông không để yếu tố chính trị lẫn kinh tế ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của mình, điều khiến ông nhận được sự tôn trọng từ các nhà lập pháp thuộc cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Khi trả lời trước một Ủy ban Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng 4, ông Fauci đã khẳng định: "Tôi đã phục vụ dưới thời 6 tổng thống và chưa bao giờ làm bất cứ điều gì khác ngoài việc đưa ra bằng chứng khoa học chính xác cùng các khuyến nghị chính sách dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng".
Có cả một câu lạc bộ những người hâm mộ bác sĩ Anthony Fauci trên mạng xã hội Twitter (Nguồn: Twitter)
Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải gồng mình chống chọi với dịch COVID-19, ông Fauci được xem như tiếng nói tin cậy nhất, neo lại một điểm an toàn giữa "cơn bão thông tin". Ông thậm chí còn có cả một câu lạc bộ những người hâm mộ trên mạng xã hội Twitter với gần 42 nghìn người theo dõi.
Trong một cuộc khảo sát được tờ báo điện tử Business Insider tiến hành với 1.900 cử tri Mỹ với câu hỏi: Ai là người họ tin tưởng nhất khi đưa ra nhận định về việc chấm dứt phong tỏa, người đứng đầu danh sách không ai khác chính là vị "bác sĩ của nước Mỹ" Anthony Fauci với tỷ lệ tín nhiệm lên tới 71%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!