Argentina phát triển công nghệ hấp thu khí CO2 tại đô thị

Như Anh-Thứ hai, ngày 13/05/2024 15:01 GMT+7

VTV.vn - Giảm khí thải nhà kính, trong đó đáng chú ý nhất là khí CO2, đang là một thử thách lớn đối với các quốc gia hướng tới Net Zero và kinh tế bền vững.

Tại Argentina, ngoài việc giảm phát thải, thì các nhà khoa học còn đang triển khai một dự án để "bẫy" được khí thải, hiểu nôm na là nhốt khí CO2 ở các khu vực đô thị.

Tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, bên cạnh những cái cây bình thường, còn có các vật thể kỳ lạ. Chúng cũng quang hợp y như một cái cây, chỉ có điều, khả năng của chúng mạnh hơn một cái cây khoảng 50 lần.

Cỗ máy quang hợp này có tên Y-Gae, sản phẩm của công ty Y-Tec. Y-Tec là tổ chức được thành lập bởi công ty dầu mỏ nhà nước YPF và Hội đồng khoa học nhà nước Argentina.

Không chỉ hút CO2 nhả ra O2, từ cỗ máy này còn ra được một thành phẩm khác gọi là biomass (sinh khối). Chất này được tận dụng làm phân bón trong nông nghiệp và làm bê tông trong xây dựng.

Argentina phát triển công nghệ hấp thu khí CO2 tại đô thị - Ảnh 1.

Argentina nỗ lực phát triển công nghệ hấp thu khí CO2 tại đô thị (Ảnh: Sinay)

Bà Sara Medina - nhà khoa học tại Y-Tec - cho biết: "Nhờ vào sinh khối biomass mà chúng tôi còn có thể đo được lượng khí CO2 mà cỗ máy này hút vào lúc đầu. Tính ra trong 1 năm, 1 máy này hấp thụ được khoảng nửa tấn khí CO2".

Nửa tấn khí CO2 đó hoàn toàn có thể quy đổi ra tiền. Trên thị trường giao dịch carbon tự nguyện, một tấn khí CO2 - tương đương với 1 tín chỉ carbon, có thể được mua lại với giá từ 2 đến 4 USD. Đây là một cơ chế giao dịch quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải, bảo vệ môi trường của thế giới. Từ loại khí này mà nhiều quốc gia thu được tiền tươi thóc thật, trong đó có Việt Nam, nên ngoài rừng cây tự nhiên mà mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu, các công nghệ để kiểm soát, hấp thụ khí CO2 đang là một lĩnh vực tiềm năng.

Ông Eris Toone - Giám đốc điều hành Breakthrough Energy Ventures - cho biết: "Thị trường của những công nghệ hấp thụ khí CO2 sẽ lớn gấp nhiều lần thị trường hóa dầu toàn cầu".

Nếu chỉ dựa vào trồng cây, các nhà khoa học tính toán rằng phải cần một cánh rừng diện tích to bằng cả lục địa châu Âu mới có thể hấp thụ được 10 tấn khí CO2 nên những công nghệ như Y-Gae, dù còn rất non trẻ, có thể đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai. Thực tế, những phiên bản to hơn, đồ sộ hơn của Y-Gae đã xuất hiện tại châu Âu, ví dụ như nhà máy hấp thụ khí CO2 đặt tại Iceland, gọi vốn được 650 triệu USD, cất giữ được khoảng 4.000 tấn CO2 mỗi năm, chuyển hóa chúng thành các thể đá basalt.

Công nghệ thu giữ khí CO2 ở các tòa nhà chọc trời New York Công nghệ thu giữ khí CO2 ở các tòa nhà chọc trời New York

VTV.vn - Để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nhiều tòa nhà tại New York đang áp dụng công nghệ thu giữ CO2, lọc khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước