Rất nhiều dân thường của cả Azerbaijan và Armenia đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh trong khu vực. (Ảnh: Armenian Unified Infocenter)
Việc công nhận Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan sẽ được thực hiện nếu chính quyền Baku đảm bảo sự an toàn và quyền của người dân địa phương, chủ yếu bao gồm người dân tộc Armenia.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Pashinyan lưu ý rằng lãnh thổ này của Azerbaijan có vị trí rất quan trọng với diện tích 86.600 km2. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Đồng thời, chúng tôi thấy rằng vấn đề về quyền và sự an toàn của người dân Nagorno-Karabakh nên được thảo luận" trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Ông Pashinyan nói: "Armenia sẽ công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan trong các giới hạn được đặt ra, trong khi Baku sẽ công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia trong khu vực 29.800 km2".
Thủ tướng Pashinyan cũng kêu gọi đảm bảo an toàn quốc tế, bày tỏ lo ngại rằng việc thiếu bất kỳ cơ chế nào có thể dẫn đến việc Azerbaijan tiến hành "thanh trừng sắc tộc" trong khu vực.
Theo ông Pashinyan, Azerbaijan và Armenia đang tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tích cực, bày tỏ hy vọng rằng các bên sẽ có thể nhanh chóng giải quyết mọi khác biệt.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. (Ảnh: Sputnik)
Nhắc lại những nhận xét này, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, cho biết, ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ "mang lại hòa bình vững chắc ở khu vực miền Nam Kavkaz".
Hai nhà lãnh đạo dự kiến có cuộc hội đàm tại Moscow vào ngày 25/5 và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải.
Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã vướng vào xung đột về khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh với tổng dân số khoảng 150.000 người trong nhiều thập kỷ. Khi Liên Xô đang sụp đổ, vào năm 1988, Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan, đơn phương thành lập nước cộng hòa của riêng mình ba năm sau đó. Điều này đã gây ra một cuộc chiến tranh, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do quốc tế làm trung gian vào năm 1994.
Tuy nhiên, kể từ đó, giữa Armenia và Azerbaijan đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh trong khu vực. Một trong những cuộc đụng độ mới nhất diễn ra vào năm 2020, sau đó những căng thẳng đã được giải tỏa nhờ nỗ lực hòa giải của Moscow.
Tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan được đưa ra sau khi ông nói vào tháng 4 rằng Yerevan và Baku có thể ký hiệp ước hòa bình nếu cả hai đều công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau "không có bất kỳ sự mơ hồ và cạm bẫy nào", đồng thời đồng ý không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!