Điều này đang giúp học sinh hiểu rõ hơn và đối phó với lo lắng về môi trường.
Tại trường tiểu học Harkaway ở Melbourne, Australia, bộ dụng cụ sơ tán trường học hiện là ưu tiên hàng đầu của ủy ban phòng cháy rừng. Một em học sinh cho rằng: "Bình chữa cháy là thứ chúng ta sẽ sử dụng nếu mức độ nguy hiểm cháy nổ cao hoặc có hỏa hoạn xảy ra".
Việc giảng dạy về môi trường đã trở thành tâm điểm của chương trình học của trường Harkaway. Học sinh không chỉ học về sinh thái biển, động vật hoang dã mà còn trực tiếp tham gia vào việc giám sát tình trạng của các con suối gần trường. Giáo viên và học sinh còn cùng nhau thảo luận về cách bảo vệ môi trường trong bối cảnh nguy cơ cháy rừng gia tăng.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu quan trọng nhất là giúp học sinh trở thành chuyên gia về phát triển bền vững. Ông Leigh Johnson - Hiệu trường trường tiểu học Harkaway, Melbourne, Australia - cho biết: "Chúng tôi muốn các em có những ý tưởng để giúp ích cho môi trường, giúp ích cho tương lai của hành tinh, xa hơn nữa là giúp các em làm những việc thực sự khiến các em thấy phấn khích và hy vọng về tương lai của mình".
Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có cách tiếp cận tương tự. Nhiều giáo viên vẫn e ngại khi đưa chủ đề biến đổi khí hậu vào lớp học vì lo ngại phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.
Cô Melitta Jones - Tiến sĩ từ Đại học Công giáo Australia - nói: "Một số giáo viên nói rằng biến đổi khí hậu quá khó hoặc cộng đồng chưa sẵn sàng cho điều đó. Thậm chí, có giáo viên từ chối dạy về chủ đề này".
Mặc dù chương trình giảng dạy quốc gia đã được cập nhật vào năm 2022 để tăng cường nội dung về biến đổi khí hậu nhưng việc triển khai vẫn chưa đồng đều.
Hiện tại, chỉ khoảng 30% các trường ở Australia tích cực giảng dạy về chủ đề này, trong khi phần lớn còn lại vẫn do dự vì lo ngại về thiếu nguồn lực và phản ứng từ cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!