Theo các nhà phân tích, bà Kamala Harris - Phó Tổng thống da màu người Nam Á đầu tiên của Mỹ - cũng sẽ nỗ lực tăng cường mối liên kết với khu vực này.
Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã nhận được sự ủng hộ từ những người có ảnh hưởng lớn của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua tái tranh cử vào ngày 21/7, sau những lời kêu gọi từ một số thành viên đảng Dân chủ yêu cầu ông từ chức vì lo ngại về tuổi tác và sức khỏe tinh thần.
Nếu bà Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, người phụ nữ 59 tuổi này sẽ đối đầu với ứng cử viên đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump, 78 tuổi.
Các nhà phân tích cho rằng bà Harris sẽ duy trì chính sách đối ngoại của ông Biden ở châu Á (Ảnh: AFP)
Về việc chính quyền của bà Harris sẽ như thế nào đối với châu Á (nếu bà đắc cử), ông Ngoei Wen-Qing - Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Quản lý Singapore - nói với chương trình Asia Now của Channel News Asia rằng thế giới đang mong đợi "nhiều hoạt động như thường lệ", cùng với sự đảm bảo về tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á.
Ông Ngoei Wen-Qing lưu ý rằng người dân trong khu vực sẽ quen thuộc với bà sau khi bà thực hiện ba chuyến thăm châu Á - bao gồm Singapore và Việt Nam - trong thời gian làm Phó Tổng thống.
"Bà Harris đã nói rõ rằng các quốc gia trong khu vực này, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có khả năng sẽ quyết định tương lai của thế giới trong 10 đến 30 năm tới" - ông nói thêm - "Và như hiện tại, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào những khu vực như Đông Nam Á đã lên tới mức lớn hơn số tiền mà Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại".
Sean King - Phó Chủ tịch cấp cao tại công ty tư vấn Park Strategies ở New York - lưu ý rằng bà Harris đã "rất thẳng thắn" về các vấn đề nhân quyền của người dân ở châu Á trong thời gian bà làm thượng nghị sĩ bang California.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!