Những vụ việc bài ngoại chủ yếu nhằm vào cộng đồng người Ba Lan ở Anh. (ảnh: AP).
Ba bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nội vụ và Tư pháp của Ba Lan sẽ thực hiện một chuyến thăm gấp tới Anh trong tuần này nhằm bảo hộ công dân Ba Lan sau một số vụ tấn công bài ngoại nhằm vào kiều dân nước này tại xứ sở sương mù.
Trong thời gian gần đây làn sóng tấn công người nước ngoài, trong đó có công dân Ba Lan đang sinh sống và làm việc tại Anh, đang có dấu hiệu tăng lên được cho là hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 ở nước này dẫn tới việc Anh chia tay Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 27/8, một nhóm thanh niên Anh đã tấn công hai công dân Ba Lan, làm một người bị thương và người kia thiệt mạng. Sáu thanh niên đã bị bắt, nhưng sau đó đã được tại ngoại. Ngày 3/9, hai công dân Ba Lan khác cũng bị tấn công tại một thị trấn miền Đông nước Anh sau khi tham dự lễ truy điệu cho công dân Ba Lan thiệt mạng trong một vụ tấn công tương tự xảy ra một tuần trước đó. Cả hai đều bị gãy xương và có nhiều vết thâm tím trên cơ thể.
Trước tình hình trên, Chính phủ Ba Lan quyết định cử ba bộ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thực hiện chuyến thăm gấp tới Anh đầu tuần này để bàn với giới chức Anh các biện pháp bảo vệ công dân Ba Lan tại đây.
Trong một thông báo phát đi ngày 4/9, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, Chính phủ Ba Lan muốn Chính phủ Anh đưa ra một cam kết đảm bảo an toàn cho công dân Ba Lan đang sinh sống và làm việc tại Anh. Họ không muốn công dân Ba Lan đang làm việc hợp pháp tại Anh trở thành mục tiêu của các vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài hậu trưng cầu dân ý ở nước này.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tại thủ đô Warsaw ngày 3/9 vừa qua, Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan Witold Waszczykowski cũng thúc giục Anh có biện pháp bảo vệ an toàn công dân Ba Lan khỏi làn sóng bài ngoại hiện nay tại Anh. Bộ trưởng Waszczykowski nói rằng Chính phủ Anh phải có trách nhiệm đối với sự an toàn của công dân Châu Âu, trong đó có công dân Ba Lan, đang sinh sống và làm việc tại đây, đồng thời phải có biện pháp ngăn chặn những hành động bài ngoại tương tự như đã xảy ra.
Ngay sau khi Anh công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng Sáu vừa qua, nhiều người lo ngại về tương lai của kiều dân châu Âu tại Anh. Chính phủ mới của Thủ tướng Theresa May cam kết sẽ bảo vệ kiều dân châu Âu tại Anh nếu tương lai của kiều dân Anh tại các quốc gia châu Âu khác cũng được đảm bảo.
Tuy nhiên phần lớn người dân Anh không hài lòng với sự xuất hiện của người dân nhập cư nước ngoài vào nước này. Một cuộc thăm dò dư luận của hãng Opinium có trụ sở tại London cho biết 2/3 số cử tri Anh ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu nói rằng làn sóng người nhập cư chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới họ quyết định nói “Không” với EU trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6.
Hiện tại có khoảng 800.000 người Ba Lan đang sinh sống và làm việc tại Anh, tạo thành cộng đồng dân tộc nước ngoài lớn nhất tại xứ sở sương mù. Chính phủ Ba Lan muốn công dân châu Âu, trong đó có công dân Ba Lan, đều được đối xử công bằng với người dân nước sở tại. Nhưng những cuộc tấn công nhắm vào người nước ngoài tại Anh gần đây cho thấy tương lai của kiều dân Ba Lan trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi chính phủ Ba Lan cần phải có hành động gấp để bảo vệ tính mạng cũng như quyền lợi của công dân nước mình tại Anh./.