Bác sĩ và nhân viên y tế buộc phải làm việc suốt ngày đêm với rất ít hoặc không có nguồn lực, gần một tuần sau trận động đất kinh hoàng. (Ảnh: Middle East Eye)
Các bác sĩ dù ở bất kỳ chuyên ngành nào cũng được huy động, trong đó có những người đã làm việc nhiều ngày liên tục, để lúc nào bệnh nhân cần cũng sẵn sàng có mặt.
Đã sáu ngày nay, bác sĩ giải phẫu thần kinh Mostafa al-Yamany ở bệnh viện Sams, thành phố Idlib, Syria không về nhà. Công việc ở bệnh viện đã cuốn anh và các đồng nghiệp vào một guồng quay không ngừng nghỉ, nếu không phẫu thuật thì khám cho bệnh nhân. Thời gian làm việc trong ngày thường kéo dài từ 8h sáng cho đến 2h đêm.
Bác sĩ Mostafa al-Yamany nói: "Vào ngày xảy ra động đất, tôi đang nghỉ ở nhà. Từ thời điểm đó, tất cả các bác sĩ được huy động đến bệnh viện. Có rất nhiều ca phẫu thuật phải thực hiện".
Bệnh viện nhỏ này là nơi nhiều nạn nhân của trận động đất được đưa đến điều trị thương tích do bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các bác sĩ đã phải gác lại sự mệt mỏi của những ca và nén sự đau lòng khi phải chứng kiến tình trạng của các bệnh nhân, nhưng vẫn có những trường hợp khiến họ không kìm được nước mắt.
Bé Tariq Haidar, 3 tuổi, được điều trị tại một bệnh viện nơi các bác sĩ buộc phải cắt bỏ chân trái của em, ở Afrin, Syria, ngày 9/2/2023. (Ảnh: Reuters)
"Có nhiều trường hợp rất đau lòng, trong đó có một em bé ba tháng tuổi mất cả gia đình. Cháu là người duy nhất sống sót và đang trong tình trạng nguy kịch với những vết thương ở ngực, bụng và đầu. Hiện chúng tôi đã cho cháu thở máy", bác sĩ Mostafa al-Yamany cho biết.
Hạ tầng y tế tại Syria vốn đã yếu kém, thuốc men thiếu thốn, giờ lại phải đối mặt với hậu quả thảm khốc của thiên tai. Các bác sĩ tại Syria chỉ còn cách nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu chữa cho bệnh nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp họ cũng phải "lực bất tòng tâm". Hiện các quốc gia và tổ chức cứu trợ quốc tế đang khẩn trương viện trợ cho Syria.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!