Tình hình trường học ở các nước khi mở cửa trở lại
Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia chọn giải pháp xây dựng miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng để mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm cả việc mở cửa lại trường học, thì một vấn đề mà nhiều chính phủ quan tâm, là làm thế nào để đảm bảo an toàn khi trẻ quay trở lại trường.
Ấn Độ quyết định mở cửa trở lại trường học ở hầu hết các bang từ ngày 7/2 khi số ca mắc mới trên cả nước có xu hướng giảm.
Mặc dù số ca mắc mới vẫn còn tăng, kể cả trong nhóm đối tượng trẻ em, nhiều bang tại Australia và Mỹ vẫn tiếp tục kế hoạch mở cửa các trường từ đầu tháng 2.
Một số bang của Mỹ thậm chí còn thông báo kế hoạch bỏ quy định đeo khẩu trường trong trường cho dù Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh nước này (CDC) vẫn khuyến nghị đeo.
Giới chức Bỉ kể từ cuối tháng 1 đã nhất trí rằng các lớp học sẽ không đóng cửa kể cả khi có các trường hợp mắc COVID-19. Chỉ những học sinh xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng mới phải cách ly ở nhà.
Hàn Quốc lại cho phép các trường tự quyết định tiếp tục học trực tiếp hay trực tuyến từ tháng 3 tới tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường.
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học tập của hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Cách các nước ứng phó khi có F0 ở trường học
Để đảm bảo an toàn y tế cho học sinh, các trường học đang áp dụng nghiêm túc các quy định phòng dịch. Tuy nhiên, khả năng xuất hiện các ca F0 là không thể tránh khỏi. Vậy các nước có cách ứng phó khi thế nào khi xuất hiện ca F0 ở trường học, để vừa không gây hoang mang lo lắng, vừa đảm bảo việc học tập cho học sinh?
Mỹ
Tại Mỹ, để giữ cho trường học mở cửa trong trường hợp xuất hiện các ca F0, các trường đặc biệt chú trọng việc xét nghiệm ngẫu nhiên để phát hiện ca mắc COVID-19. Khi xuất hiện ca F0, các trường sẽ áp dụng hướng dẫn của CDC, gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Người mắc được yêu cầu cách ly trong ít nhất 5 ngày, trong đó Ngày 0 là ngày đầu tiên xuất hiện các triệu chứng hoặc là ngày xét nghiệm dương tính với những người không có triệu chứng.
Bước 2: Trường sẽ xác định các trường hợp tiếp xúc gần và đưa ra khuyến nghị cách ly và xét nghiệm, trong đó cách ly được đặc biệt chú trọng, bởi trước khi một người có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm dương tính, họ có thể lây truyền virus cho người khác mà không hề hay biết. Thời gian cách ly cũng là ít nhất 5 ngày.
Bước 3: Theo dõi chặt chẽ để xác định thời điểm cho các F0 và F1 quay trở lại trường học.
Bước 4: Thông báo với cơ quan y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời trong trường hợp trường học bùng phát dịch.
Ông Jason Stratton, phụ huynh học sinh, thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ cho biết: "Tôi rất vui khi các con trở lại trường. Thời gian ở nhà quá lâu thực sự ảnh hưởng không tốt tới bọn trẻ về mặt xã hội. Gia đình chúng tôi, và tôi tin rằng cả nhà trường cũng vậy, sẽ làm mọi cách để bảo vệ bọn trẻ an toàn".
Có thể thấy, thận trọng là yếu tố được đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho học sinh. Song song với việc tuân thủ các quy định phòng dịch cơ bản (ngay cả khi một số bang của Mỹ có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, nhiều phụ huynh học sinh cho biết vẫn sẽ cho con em mình tiếp tục đeo khẩu trang bất kể tình trạng tiêm chủng), các trường còn đặc biệt chú trọng tới mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh để luôn cập nhật tình hình của trẻ và có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có trẻ là F0.
Các trường học Mỹ áp dụng hướng dẫn của CDC để xử lý khi phát hiện ca F0. (Nguồn: Reuters)
Singapore
Công nghệ là biện pháp quan trọng để ứng phó với COVID-19 tại Singapore, bao gồm cả trong các trường học. Khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường, ứng dụng truy vết TraceTogether sẽ thông báo trực tiếp tới người sử dụng là liệu học sinh này có tiếp xúc gần với ca mắc hay không. Đối với học sinh mẫu giáo chưa sử dụng ứng dụng này, nhà trường sẽ chủ động khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc gần, từ đó tiến hành các biện pháp cách ly và xét nghiệm cần thiết. Giữ cho trường học mở cửa là ưu tiên tại Singapore. Trong hơn 2 năm qua, nước này chi cho học sinh học vài tháng online lúc cao điểm dịch. Thời gian còn lại, các trường học vẫn mở cửa đón học sinh đến lớp.
Giữ cho trường học mở cửa là ưu tiên tại Singapore. (Ảnh: Straits Times)
Châu Âu
Tại Italy, nếu lớp học phát hiện một ca mắc COVID-19, học sinh trong lớp đó phải đeo khẩu trang chuyên dụng FFP2 để đảm bảo an toàn. (Đây là loại khẩu trang có khả năng lọc ít nhất 94% các hạt có đường kính 0,3 micron hoặc lớn hơn.) Nếu có nhiều hơn một ca mắc, lớp học sẽ chuyển sang kết học học trực tiếp và trực tuyến, tùy theo tình trạng tiêm chủng của học sinh.
Trong khi đó, các trường học Hy Lạp áp dụng chính sách học trực tuyến nếu một lớp học có 30% số học sinh mắc COVID-19.
Còn tại Pháp, nếu phát hiện một học sinh là F0, các học sinh trong lớp sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh. Học sinh mắc COVID-19 sau khi qua ba lần xét nghiệm nhanh âm tính thay vì xét nghiệm PCR sẽ được phép quay trở lại trường học.
Kết hợp học trực tiếp và trực tuyến là biện pháp được nhiều trường học ở châu Âu áp dụng trong trường hợp bùng phát dịch. (Ảnh: Reuters)
Các nước đẩy mạnh tiêm phòng cho trẻ em
Theo Tiến sĩ Abraar Karan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford (Mỹ), hầu hết trẻ em mắc COVID-19 hoặc tiêm vaccine gần đây có đủ miễn dịch để bảo vệ mình khỏi virus trong nhiều tuần hoặc lâu hơn. Chính vì thế, các bác sĩ và chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ trẻ ở độ tuổi đi học trước COVID-19 là tiêm phòng. Đây cũng là chiến lược mà nhiều nước đang tăng tốc triển khai trong kỳ học mới này. Thông thường, phụ huynh sẽ có mặt cạnh các con để giúp trẻ không sợ hãi khi tiêm chủng.
Nhiều nước áp dụng các biện pháp sáng tạo để tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi đi tiêm phòng. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm phòng cho 15 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ở nước này trong tháng hai. Việc biến những trung tâm tiêm chủng thành rạp xiếc cũng giúp các bé đỡ cảm giác sợ sệt và lo lắng. Tại cộng hòa Czech, những nhân viên y tế hóa trang thành các nhân vật hoạt hình như Minion hay Pikachu để chào đón những trẻ đến tiêm phòng.
Hay tại Italy, giới chức nước này đã biến một bảo tàng thành trung tâm tiêm chủng, để các bé có thể tham quan trước và sau khi tiêm để lấy lại bình tĩnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!